Hàng Việt- 10 năm chinh phục thị trường
Trải qua chặng đường 10 năm, thực hiện Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009, kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động đã đạt được nhiều “trái ngọt”, làm thay đổi rất lớn tâm lý, thói quen sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng (NTD).
Đó cũng chính là động lực để doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục chinh phục NTD trong các chặng đường tiếp theo.
Hàng Việt Nam dần lấy lòng người Việt Nam
Theo BCĐ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua 10 năm thực hiện, nhận thức của DN và NTD về hàng Việt Nam đã không ngừng tăng lên.
Cụ thể, đã có hơn 89% người dân mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam (tăng 19% so với năm 2009), khoảng 85% cơ quan, đơn vị chọn hàng Việt Nam sản xuất để mua sắm trang thiết bị, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt DN, đông đảo lượt khách tham quan mua sắm.
Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Thời gian qua, sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia đưa hàng Việt Nam về nông thôn. Bên cạnh đó, các DN cũng triển khai mở rộng các địa điểm bán hàng bình ổn giá về nông thôn, giúp người dân tiếp cận được những sản phẩm chất lượng cao với mức giá hợp lý và nhiều chủng loại.
“Cuộc vận động không chỉ đẩy mạnh niềm tin của NTD đối với hàng Việt Nam mà còn tạo động lực để DN chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, uy tín. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên, thể hiện như chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, thương hiệu được quan tâm xây dựng, tạo uy tín trên thị trường”- ông Vũ Ngọc Tú cho hay.
Là một trong những DN đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ một lượng lớn hàng Việt Nam, qua thời gian dài đồng hành và phát triển cùng hàng Việt, đến nay tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống Co.opmart đạt mức hơn 90%.
Bà Diệp Thị Quế Hương- Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho biết: Co.opmart luôn xây dựng một hình ảnh luôn thân thiện, chất lượng dịch vụ luôn được cải tiến, hàng hóa đa dạng, được kiểm soát tốt về chất lượng.
Đồng thời, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các DN Việt Nam trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay NTD trong nước.
Song song đó, Co.opmart còn trở thành cầu nối thông tin từ phía NTD truyền ngược lại các nhà sản xuất để các DN trong nước nắm được thông tin, có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của NTD cũng như bắt kịp với thị hiếu của NTD.
Có sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của tỉnh, Công ty TNHH sản xuất- thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) cũng đã không ngừng nỗ lực để mang đến sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất đến tay NTD và đã dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất- thương mại Phước Thành IV- cho biết: Công ty đã nghiên cứu phát triển dây chuyền công nghệ chế biến gạo khép kín, tự động hóa, với các máy móc thiết bị tiên tiến để mang đến sản phẩm an toàn, chất lượng đến khách hàng. Nhờ đó, công ty đã có nhiều sản phẩm gạo lưu thông trên thị trường và được NTD ngày càng tín nhiệm.
Cần chủ động hơn trên chặng đường mới
Đã đạt được những “trái ngọt”, song, theo ngành chức năng và cả DN lẫn NTD, cuộc vận động vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục.
Ông Vũ Ngọc Tú cho hay: Nhận thức của các DN về công tác quảng bá sản phẩm, xây dựng niềm tin trong NTD về nhãn hàng của DN chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm vẫn chưa thu hút được các DN có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Vẫn còn một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của NTD, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động. Và vẫn còn một bộ phận NTD có tâm lý “sính ngoại”.
Theo một số DN, nguyên nhân khiến DN nhỏ và vừa lép vế trên sân nhà là do DN thiếu vốn, nên khó chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, năng lực quản trị DN không cao, cùng với việc chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành bán lẻ, hệ thống phân phối. DN hoạt động trong cùng lĩnh vực mạnh ai người ấy làm, chưa biết cách cùng nhau liên kết để cạnh tranh lành mạnh với DN ngoại.
Để cuộc vận động mang lại nhiều kết quả hơn nữa và thật sự đi vào chiều sâu cần hơn hết là sự chủ động của DN trong đầu tư đổi mới trang bị thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của NTD. Từ đó, để NTD ưu tiên lựa chọn mua và sử dụng. Đồng thời, cần nâng chất lượng quản lý, tăng cường liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Song song đó, ngành chức năng cần có các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất về chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương.
Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa trên thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi NTD và uy tín của các DN, nhà sản xuất chân chính.
Để trợ sức cho DN, ông Vũ Ngọc Tú cho hay: Sở sẽ tăng cường hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ DN công nghiệp, làng nghề...