Hàng Việt “bén rễ” chợ truyền thống
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang tạo thế cho hàng Việt hiện diện rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hàng Việt không chỉ chiếm thế chủ đạo tại tất cả các kênh phân phối mà còn nhanh chóng “bén rễ” tại các chợ truyền thống.
Cuộc “chạy đua” để đưa hàng hóa vào các điểm bán hàng tại các chợ truyền thống không dễ dàng khi nhiều thương hiệu ngoại và những nhãn hàng đa quốc gia đang xâm nhập ồ ạt vào thị trường nội địa như hiện nay. Tuy nhiên, từ những hoạt động vận động người Việt dùng hàng Việt và tận dụng lợi thế “sân nhà” cùng các chương trình hỗ trợ thương mại của tỉnh đã làm thay đổi dần nhận thức của người dân, khi ưu tiên kinh doanh, mua sắm, sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, hàng Việt đã xuất hiện nhiều hơn tại các chợ truyền thống và đang tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng nhờ chất lượng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đã biết “nói không” với những sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng… Có thể nói, ý thức của người tiêu dùng đã trở thành áp lực cho các tiểu thương ở chợ truyền thống, buộc họ phải thay đổi chiến lược.
Chị Lê Thị Kiều, một tiểu thương ở chợ Cai Lậy (TX. Cai Lậy) cho biết, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các mặt hàng thực phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Mì, phở, hủ tiếu, miến, mì tôm, cháo ăn liền… Các thương hiệu bột giặt, quần áo may sẵn, bánh kẹo sản xuất trong nước đã được tiểu thương bày bán nhiều hơn. “Hiện nay, tôi bán bột giặt Aba của Công ty Đại Việt Hương hay Net của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam rất “chạy” và có doanh số bán ra ngang bằng với các nhãn hàng bột giặt của các công ty đa quốc gia như Omo, Tide. Doanh số bán các loại bột giặt Việt Nam ngày càng tăng, do giá rẻ hơn mà chất lượng tương đương hàng ngoại…” – chị Kiều nói.
Còn các loại sữa tắm, kem dưỡng da dù mang thương hiệu nước ngoài nhưng có nguồn gốc không rõ ràng đã không còn hấp dẫn người tiêu dùng bình dân tại các chợ. Anh Ngô Quang Thành, một tiểu thương ở chợ Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) cho biết, ở chợ bây giờ hàng Việt đã bán chạy hơn vì người tiêu dùng đã có tâm lý mua hàng bảo đảm chất lượng, xuất xứ và thời hạn sử dụng rõ ràng… Điều dễ thấy là tại các chợ truyền thống từ thành thị đến nông thôn, những thương hiệu Việt như: Vinamilk, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát, Bidrico, Mỹ Hảo, nhựa Duy Tân, nhựa Duy Thành, nước mắm Liên Thành… xuất hiện ngày càng dày đặc.
Tiểu thương tại các chợ cũng rất phấn khởi khi gần đây các doanh nghiệp trong nước đã đồng hành cùng họ nhiều hơn trong việc quảng bá sản phẩm, ưu tiên trưng bày sản phẩm và thực hiện khuyến mãi cho người tiêu dùng. “Nhiều công ty lớn trả chi phí trưng bày cho chúng tôi. Song, đối với những sản phẩm mới do Việt Nam sản xuất, chúng tôi chấp nhận trưng bày miễn phí, nhận ký gửi hàng… chỉ với một yêu cầu là hàng phải đảm bảo chất lượng” – anh Thành chia sẻ.
Theo đánh giá của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt vẫn có lợi thế riêng so với hàng đa quốc gia do người tiêu dùng và tiểu thương đã có niềm tin, tình cảm nhất định đối với hàng Việt. Vì vậy, doanh nghiệp hàng Việt nên tận dụng các lợi thế trên để sản phẩm của mình được bày bán nhiều hơn nữa ở chợ truyền thống.
Dù độ bao phủ của hàng Việt tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã ở mức gần 80%, song, vẫn còn số ít tiểu thương ở các chợ ham lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng hàng hóa, xuất xứ sản phẩm. Do đó, ngành chức năng cần liên tục kiểm tra, xử lý nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hướng tới, ngành Công thương cũng cần mở các lớp tập huấn cho ban quản lý chợ, tiểu thương để phát huy hiệu quả kinh doanh hàng Việt, giúp hàng Việt tiến sâu và đứng vững tại các chợ truyền thống.