Hàng Việt chiếm lĩnh 200 thị trường

Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua XK đã được mở rộng cả về quy mô thị trường và cơ cấu mặt hàng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch XK của cả nước.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2018, đã vươn lên vị trí thứ 26 về XK.

Xét về quy mô thị trường XK, nếu năm 2007 chỉ có 14 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó duy nhất thị trường Hoa Kỳ đạt trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD). Nếu như năm 2007, XK tập trung phần lớn ở khu vực châu Á, chiếm tỷ trọng khoảng 65,8%, châu Âu và châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 15,2% và 13,4% thì đến năm 2018, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu. Theo đó, tỷ trọng kim ngạch XK sang thị trường châu Á giảm còn khoảng 53,6%, châu Âu là 18,4% và châu Mỹ 23,4%.

10 tháng năm 2019, chủ trương đa dạng hóa thị trường XK tiếp tục được hiện thực hóa khi Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng hóa Việt Nam còn mở rộng ra các thị trường có FTA như XK sang Nga tăng 13,9%; New Zealand tăng 12,5%; Canada tăng 30,9%... chứng tỏ ta đã khai thác và tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.

Mặc dù vậy, xét về phương diện mặt hàng XK, trong khi các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có cơ cấu thị trường khá đa dạng thì Bộ Công Thương cũng thừa nhận mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản lại chưa cao, dễ chịu tác động bởi sự thay đổi ở các thị trường.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định, để thực hiện chiến lược XK bền vững, tạo thế chủ động và tự chủ phát triển kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xuất khẩu trong từng thời kỳ, cũng như Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định các định hướng, giải pháp lớn để thực hiện chủ trương đa dạng hóa các thị trường, mặt hàng XK.

 

Bình luận của bạn