Hàng Việt chiếm ưu thế thị trường Tết Kỷ Hợi
Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dạo quanh các siêu thị, chợ đầu mối, chợ lẻ tại TP Hồ Chí Minh và các trang bán hàng trực tuyến cho thấy, rất nhiều thực phẩm chế biến và mứt bánh phục vụ tết năm nay có xuất xứ từ các doanh nghiệp trong nước, chiếm hơn 70% thị trường mứt bánh tết.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Tết Kỷ Hợi năm nay thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 18.500 tấn bánh, kẹo. Các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt mang không khí Xuân.
Riêng dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất lớn... chú trọng đầu tư. Cụ thể, giá bán lẻ bánh Kinh Đô dao động từ 60.000 - 250.000 đồng/hộp, bánh Bibica từ 110.000 – 120.000 đồng/hộp… Ngoài những mặt hàng bánh kẹo Tết, một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, Sagri (thịt gia súc); Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Sài Gòn Food, Seaspimex, Việt Tùng (thực phẩm chế biến); Phạm Tôn, Long Bình (thịt gia cầm); Phước An, Anh Đào (rau củ quả)…
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, siêu thị, các loại bánh, kẹo, mứt Tết sản xuất trong nước đang áp đảo thị trường. Các loại kẹo của nhà sản xuất trong nước năm nay ngoài chất lượng đảm bảo còn có bao bì bắt mắt, mẫu mã phong phú không kém hàng ngoại nhập nên rất thu hút người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế vì hiểu biết về khẩu vị, văn hóa, nhu cầu của người tiêu dùng nên họ đã khai thác thị trường tốt hơn. Đây cũng chính là lý do bánh, kẹo, thực phẩm chế biến trong nước chiếm tỷ lệ lớn. Rất nhiều thương hiệu đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường và được người tiêu dùng chọn là quà Tết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lành, chủ sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây chia sẻ, tâm lý khách hàng giờ đây có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và mẫu mã chứ không chỉ về giá cả như trước đây. Những năm gần đây, nhiều hãng có tên tuổi của Việt Nam như bánh kẹo Kinh Đô, Hải Hà, Bibica, Vinacafe… đã được người tiêu dùng trong nước tin tưởng chọn mua nhiều. Bên cạnh đó, những thông tin về bánh kẹo ngoại bị tráo ruột, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc… xuất hiện trên thị trường thời gian qua đã khiến người tiêu dùng cảnh giác.
Tại các hệ thống siêu thị và các trang bán hàng trực tuyến như lazada, sendo, shopee…, hàng hóa Tết cũng rất phong phú và hàng Việt chiếm ưu thế, đặc biệt là các sản phẩm handmade hoặc làm từ nguyên liệu hữu cơ…được thị trường đón nhận mạnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Châu, đại lý bán hàng trên trang shopee cho biết, mọi năm chị chọn bán các sản phẩm ngoại nhập Thái Lan, Hàn Quốc nhưng năm nay xu hướng tiêu dùng của người Việt đã khác. Gian hàng các sản phẩm thủ công Việt Nam có sử dụng các nguyên liệu tốt cho sức khỏe như: bánh hạnh nhân, bánh cốm gạo lứt từ nguyên liệu hữu cơ, kẹo chuối làm từ mật mía thay vì từ đường cát trắng… rất hút hàng.
Chị Phạm Thị Tâm (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây do hàng hóa trong nước không có nhiều mẫu mã chủng loại nên tôi thường chọn hàng ngoại để làm quà biếu Tết. Vài năm trở lại đây tôi thường lựa chọn hàng Việt cho ngày Tết của gia đình. Mua hàng hóa của doanh nghiệp trong nước vẫn yên tâm hơn về xuất xứ, giá cả lại phù hợp với túi tiền”.
Ngoài những mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết sản xuất trong nước, thị trường hàng hóa Tết ghi nhận sự có mặt của các sản phẩm đặc sản từ các tỉnh, thành phố, vùng miền như: trà củ sen Tháp Mười; trà xanh Thái Nguyên; hạt mắc ca Lâm Đồng; mứt dừa Bến Tre; chè lam Bắc Ninh; giò bê Nghệ An… góp phần tạo ra một thị trường tiêu dùng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đầy hấp dẫn.