Hàng Việt có lo bị gạt khỏi hệ thống bán lẻ?
Những thông tin liên tiếp về việc nhà đầu tư Thái Lan đã, đang thâu tóm một phần hoặc toàn bộ nhiều doanh nghiệp sản xuất, hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã làm dấy lên làn sóng lo ngại về việc hàng Việt sẽ bị lấn lướt và gạt khỏi hệ thống bán lẻ bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Hàng "ngoại" tràn ngập
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ liên tiếp của doanh nghiệpThái Lan qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn. Đơn cử, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) và đổi tên thành B'mart. Trước đó, BJC cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) với giá 655 triệu euro (khoảng 880 triệu USD). Đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim…
Theo Bộ Công thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước, tính về số lượng thì hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai sau hàng Trung Quốc. Hiện sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, nhất là hàng điện tử, điện lạnh chiếm tới 70% thị phần. Đáng chú ý, dù Việt Nam có thế mạnh về sản xuất trái cây, nhưng trái cây có xuất xứ từ Thái Lan đã chiếm khoảng 40% thị phần.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho biết, xu hướng chuyển sang dùng hàng Thái bắt đầu rõ nét từ năm 2009, BigC cũng thay thế dần hàng Trung Quốc sang nhập khẩu hàng Thái Lan với các mặt hàng bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm. Điểm lợi thế trong cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan là chủng loại đa dạng, mẫu mã đẹp và chất lượng bảo đảm...
Chất lượng là nhân tố quyết định
Những thông tin liên tiếp kể trên làm dấy lên làn sóng lo ngại về hàng Việt sẽ bị lấn lướt và gạt khỏi hệ thống bán lẻ bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng, thực tế hàng Việt có bị lấn lướt, bị loại khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt, chứ không phải vì việc thay đổi chủ mới của hệ thống bán lẻ.
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), như vậy doanh nghiệp Việt sẽ không chỉ cạnh tranh với riêng doanh nghiệp đến từ Thái Lan, mà phải cạnh tranh với doanh nghiệp của cả khối AEC và doanh nghiệp các nước ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với hàng hóa, dịch vụ trong nước. Chưa kể, doanh nghiệp của các nước ASEAN, nhất là các nước ASEAN+ có bề dày kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần tăng năng lực trình độ, xây dựng chiến lược trở thành đối tác của nhau để phục vụ tốt thị trường Việt Nam, nhằm tồn tại và phát triển trên "sân nhà".
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhận định, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng hóa "ngoại" nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là doanh nghiệp "nội" phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Thực tế, yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa thích là vì giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt 10-20% và rẻ bằng một nửa so với hàng hóa có xuất xứ từ Châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Trong khi đó, sản phẩm do các doanh nghiệp "nội" sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng không đồng đều, nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp. Trong điều kiện giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng, thì chất lượng đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.