Hàng Việt gặp khó thời bão FTA

 

Việt Nam trước nay vẫn rất “mệt mỏi” với sự xâm nhập của hàng hoá xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chính người Trung Quốc cũng không còn tin vào nhãn hiệu “Made in China” thì việc chống lại hàng Trung Quốc kém chất lượng lại trở nên khó khăn hơn do họ “hô biến” nhãn hiệu.

Việt Nam đang trong quá trình đàm phán hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu việc đàm phán thành công, ở góc độ tích cực, TPP sẽ là cơ hội lớn cho hàng Việt Nam vươn ra nhiều thị trường lớn trên thế giới trong đó có Mỹ, Nhật, Úc… Khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng Việt “mắc kẹt” xuất xứ

Những lợi ích từ TPP ở thị trường xuất khẩu là rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc nâng cao hình ảnh hàng Việt. Đồng thời, nâng giá trị sản phẩm với giá cả tương ứng, cải thiện đời sống người sản xuất. Trong đó, điển hình là thị trường nông nghiệp, thị trường dệt may – thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua.

alt

Hàng Việt Nam được bày bán trong một hội chợ Hàng Việt tại Campuchia.

 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là hàng Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu. Theo các quy định về xuất xứ hàng hoá đang đàm phán, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi, phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ nội khối các nước TPP. Trong khi đó, nhóm ngành thế mạnh như dệt, đồ gỗ, phụ tùng đều phải nhập khẩu từ nhiều nước trong đó Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn.

Số liệu từ trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (VITIC) cho thấy, hết tháng 9.2013 có đến năm nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, có nhiều ngành mũi nhọn bao gồm: vải; máy móc, dụng cụ và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép. Báo cáo tổng kết bộ Công thương cho thấy thị trường nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm hơn 27,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Riêng ở thị trường dệt may, hiệp hội Bông Việt Nam (VCOSA) cho biết Trung Quốc đang chi phối lớn đến nguồn nguyên liệu, khi có đến 50% tất cả các nguyên liệu, vải sợi của Việt Nam được nhập từ nước này. Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, phó tổng giám đốc thường trực tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nguồn nguyên liệu bông nội địa Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu từ 1 – 3% cho sản xuất sợi, còn ngành may nội địa và xuất khẩu cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20 – 25% nhu cầu.

Đó là chưa kể đến những ngành vốn được xem là trọng điểm của Việt Nam như sản xuất chế biến gỗ, hàng linh kiện thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ… đều phải nhập.

Như vậy trong thời gian ngắn từ nay đến hết năm 2014, bài toán lớn nhất mà Việt Nam phải cố gắng giải chính là vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu nội địa hoặc mắc nối với các đối tác nội khối TPP. Từ đó tận dụng được ưu đãi mà TPP sẽ mang lại.

Cuộc chiến “Made in China” thời FTA

Trong khi các doanh nghiệp Việt lo lắng trước việc chuẩn bị nội lực: nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu, kỹ thuật… trước làn sóng mậu dịch tự do (FTA), thì các doanh nghiệp Trung Quốc đang ra sức mở rộng thị trường để tận dụng thị trường xuất khẩu “tiềm năng 0%” Việt Nam trong tương lai, nhất là khi các khối như TPP không “chứa” hàng Trung Quốc.

Cuộc điều tra và khảo sát thị trường của hãng HD Trade Service cho thấy 94% số người được khảo sát không biết đến một thương hiệu Trung Quốc nào ở thị trường Mỹ. Và có đến hơn 30% người cho biết sẽ “tẩy chay” hàng Trung Quốc dù đó là loại hàng nào. Hơn ai hết, chính doanh nghiệp Trung Quốc đều hiểu điều này, thế nên họ đã sớm có động thái “dập lửa”, bằng cách xoá nguồn gốc xuất xứ để tiện xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Để làm được điều đó, người Trung Quốc đã “khéo léo” thực hiện các động thái: mua lại cổ phần, thậm chí là mua lại thương hiệu các công ty nước ngoài có uy tín rồi “đứng sau” sản xuất. Cao tay hơn, họ thuê lao động, hay cả giám đốc người bản xứ để thuận tiện cho việc “xoá vết” tích “Made in China”. Đó là chưa kể các doanh nghiệp FDI Trung Quốc âm thầm xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, hoặc hình thành các đường dây nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sang.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm vốn FDI của Trung Quốc đã đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế xuất khẩu từ TPP, và nhiều FTA mà Việt Nam đang tham gia. Đây là bài toán cũ vì chiêu bài “mượn thị trường xuất khẩu” đã có từ rất sớm. Tuy nhiên, khi TPP đặt ra vấn đề xuất xứ hàng hoá thì đó lại trở thành bài toán mới. Nói như bà Nguyễn Thị Bích Liên – giám đốc xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai, lợi thì ai cũng thấy nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nên doanh nghiệp khó được hưởng mức thuế ưu đãi khi vào TPP.

Như vậy, cuộc chiến chống hàng Trung Quốc giờ đây không còn dừng lại ở việc “kiểm tra” tem chữ “Made in China”, mà là việc đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp FDI. Nguy hiểm hơn, khi người Trung Quốc dùng chiêu bài “xoá nguồn gốc”, thì rủi ro về chuyện thâu tóm, mua lại doanh nghiệp yếu để lấy danh nghĩa xuất khẩu, lại đặt nặng lên doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Báo Sài Gòn tiếp thị

Bình luận của bạn