Hàng Việt hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do AANZFTA

Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông thủy sản, hàng tiêu dùng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ... sang Úc. Đây là những nhóm hàng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).

Những cam kết hội nhập này giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, còn người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc mua hàng giá rẻ. Nếu biết tận dụng ưu đãi trong AANZFTA, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc.

100% dòng thuế sẽ được cắt giảm

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, theo lộ trình Hiệp định AANZFTA, đến năm 2018, Úc sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau hơn 6 năm thực thi Hiệp định AANZFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc tăng trung bình gần 5%/năm. 

Năm 2016, kim ngạch 2 chiều giữa 2 nước tăng 6,5% so với năm 2015, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD (đạt 2,87 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Úc khoảng 2,39 tỷ USD). 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Úc đạt hơn 6,464 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2016. 

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Úc đạt 3,23 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu từ Úc vào Việt Nam đạt hơn 3,17 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 480 triệu USD sang Úc, tương đương năm 2016.

Hiện Úc là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Úc về nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Như vậy là khá nhỏ nhưng tốc độ tăng trưởng khá cao ở mức 3,1%. 

Dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc còn rất lớn và thủy sản được xem là mặt hàng đầy tiềm năng do tiêu thụ mặt hàng này ở Úc tăng nhanh, khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng nước này chỉ đạt 220.000 tấn.

Úc có nhu cầu nhập khẩu hơn 700.000 tấn thuỷ sản/năm, và Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Thái Lan). Hơn nữa, người tiêu dùng Úc rất ưa thích các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, do giá cả hợp lý và cá nước ngọt Việt Nam dễ ăn. 

Hạt điều cũng là mặt hàng đầy hứa hẹn được người tiêu dùng Úc ưa chuộng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Úc với tỷ trọng xấp xỉ 74%. 

Một số mặt hàng như gỗ và sản phẩm từ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc thiết bị cũng được coi là những mặt hàng đầy tiềm năng trên thị trường Úc.

Thị trường Úc rộng cửa cho hàng Việt

Theo nhận định của Bộ Công Thương, hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn ở Úc còn khá khiêm tốn và còn cách xa so với tiềm năng của nước ta cũng như nhu cầu nhập khẩu của phía Úc.

Song, để đưa hàng Việt trực tiếp vào hệ thống phân phối bán lẻ của Úc là việc hết sức khó khăn. Lý do là từ trước đến nay các doanh nghiệp Việt chưa nghiên cứu bài bản về hệ thống này, cách tiếp cận, các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các qui định về tiêu chuẩn kỹ thuật để có định hướng rõ ràng cho doanh nghiệp. Mảng giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt tại các hệ thống siêu thị vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về hệ thống phân phối của Úc, giúp các doanh nghiệp Việt đưa hàng trực tiếp vào chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ của Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc giới thiệu danh sách và các hoạt động cơ bản của các tập đoàn bán lẻ lớn tại Úc (doanh thu trên 1 tỷ AUD/năm) để các doanh nghiệp xem xét chào hàng. 

Đó là Woolworths Limited, Wesfarmers Limited, Harvey Norman Holdings Ltd, Metcash Limited, Bunnings... Trong đó, 4 tập đoàn siêu thị, gồm: Coles (33,5%), Woolworths (33,5%), Aldi (10,3%) và IGA (9,5%) đã chiếm hơn 80% thị phần và các hệ thống siêu thị này bao phủ hầu hết các khu dân cư, trung tâm thương mại. 

"Chỉ có IGA là hệ thống Franchise (nhượng quyền thương mại) nên họ tốn kém cho phí nhượng quyền thương mại và phải tuân thủ giá cả, mặt hàng sản phẩm, nguồn cung sản phẩm hay mô hình kinh doanh từ chủ doanh nghiệp nhượng quyền nên IGA không được linh hoạt điều chỉnh giá nhanh chóng như các hệ thống siêu thị khác. Hầu hết sản phẩm từ các siêu thị này được sản xuất từ Úc và một số mặt hàng home made từ hệ thống siêu thị", một chuyên gia cho biết.

Hiện nay, quầy hàng thực phẩm của Việt Nam đã có mặt tại chuỗi siêu thị Coles, mở đường cho hàng hoá của Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng Úc một cách rộng rãi hơn.

Bình luận của bạn