Hàng Việt Nam ngày càng được tin dùng
Tại TP Hồ Chí Minh, từ các khu chợ truyền thống, siêu thị đến những trung tâm thương mại lớn, lượng hàng Việt Nam bày bán ngày càng tăng, với chủng loại phong phú và được người dân mua ngày một nhiều. Đó là kết quả của 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hàng Việt trong ý thức người tiêu dùng
Hiện nay, việc người dân TP Hồ Chí Minh lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước để mua về sử dụng là chuyện rất bình thường. Những năm qua, thành phố luôn là địa phương đi đầu cả nước trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phát động. Đó là kết quả của sự chung sức giữa chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Mỗi lần đến siêu thị BiG C, hay ra khu chợ Võ Thành Trang, chị Hoàng Thị Yến (ngụ ở đường Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình) lại tìm đến những gian hàng bày bán các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Chị nói: “Các mặt hàng do DN Việt Nam sản xuất giờ đã nâng cao được chất lượng, nhất là những mặt hàng phục vụ tiêu dùng hằng ngày. Vì thế, gia đình tôi luôn ưu tiên chọn mua hàng Việt”. với chị Lê Thị Mỹ Hạnh (ngụ ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) dùng hàng Việt Nam không chỉ vì chất lượng, mẫu mã tốt hơn trước, mà còn để khích lệ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nói về việc người dân thành phố dùng hàng Việt ngày càng nhiều, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Cuộc vận động đã được các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền khá tốt cho người dân, nhất là ở các khu phố, tổ dân phố. Khi người dân biết, dân hiểu và dân tin, thì không có lý do gì họ lại không dùng hàng Việt".
Những năm gần đây, mỗi năm TP Hồ Chí Minh tổ chức hàng trăm hội chợ, triển lãm lớn nhỏ trên địa bàn, với sự tham gia của rất nhiều DN Việt Nam. Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến với người tiêu dùng và khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của các thương hiệu Việt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại hàng hóa trong nước đã đáp ứng khá tốt nhu cầu người tiêu dùng, cả về sự tiện ích, chất lượng, mẫu mã và giá thành. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hệ thống phân phối phát triển mạnh với hơn 40 trung tâm thương mại, 196 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 900 cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam duy trì 65%-95%. Con số này đã khẳng định vị thế và độ tin tưởng của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Giải pháp để nâng tầm hàng Việt Nam
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động của TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 20-4 vừa qua, đa số đại biểu đều cho rằng: Hàng Việt đã có chỗ đứng xứng đáng trong ý thức của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng. Đây không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, mà còn chứng tỏ chất lượng hàng Việt đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, để người tiêu dùng từ chỗ “ưu tiên, khuyến khích” đến việc “chủ động” mua sắm hàng hóa trong nước, thì hàng Việt cần phải tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.
Thực hiện chiến lược này, TP Hồ Chí Minh đã và đang khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư khoa học-công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: DN phải tạo ra được sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh và tuân thủ các nguyên tắc thị trường bằng khoa học-công nghệ tiên tiến. Có như vậy mới tạo được niềm tin với người tiêu dùng, sức sống cho hàng Việt và xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, các DN cần có chiến lược tiếp cận người tiêu dùng bằng việc tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hóa về chợ đầu mối, chợ truyền thống, có các chính sách hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh mục tiêu mở rộng và nâng chất lượng hàng Việt, TP Hồ Chí Minh đang tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, như: Rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân, giúp ổn định cung-cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế các trường hợp phải “giải cứu” nông sản. Hệ thống phân phối trong thành phố sẽ ký hợp đồng bao tiêu những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để bảo vệ hàng hóa trong nước, TP Hồ Chí Minh cũng quyết liệt hơn trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Không những vậy, cơ quan chức năng của thành phố cũng kiên quyết xử lý các DN vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, TP Hồ Chí Minh cũng tích cực khuyến khích, giúp đỡ các DN Việt Nam chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa thông qua thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP… tập trung đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc để hàng Việt vươn xa, hướng tới xuất khẩu bền vững... Trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình, như: “Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt”, “Chắp cánh cho hàng Việt”, “Yêu nước thì dùng hàng trong nước”. Để thực hiện các chương trình này, ngoài việc liên kết với các địa phương trong sản xuất, phân phối hàng hóa, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn, tăng cường đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, các trung tâm mua sắm, chợ đầu mối và chợ truyền thống. Học tập các nước phát triển trên thế giới, thành phố khuyến khích các DN thông qua thị trường trong nước để hoàn thiện sản phẩm và đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế. Đó cũng cách làm hiệu quả khi xây dựng thương hiệu hàng Việt, tạo sức mạnh cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.