Hàng Việt Nam vẫn nhiều lợi thế
Niềm tự hào quốc gia là yếu tố rất quan trọng đối với người tiêu dùng trong việc quyết định mua sản phẩm của DN nội hay ngoại tại Việt Nam.
Dù hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng sản phẩm của doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn nhiều lợi thế khi người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến yếu tố giá cả, chất lượng còn chú trọng đến nguồn gốc quốc gia.
Tình cảm của người tiêu dùng là yếu tố giúp hàng Việt giữ được thị trường trước làn sóng hàng ngoại. Báo cáo toàn cầu "Nguồn gốc quốc gia của các nhãn hàng" do Nielsen công bố vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, sự ưa thích nguồn gốc quốc gia của sản phẩm và sở thích của người tiêu dùng là yếu tố có lợi cho DN trong nước so với các đối thủ là công ty đa quốc gia.
Có đến 80 - 90% người Việt trả lời rằng khi so sánh với các yếu tố như giá, chức năng và chất lượng thì nguồn gốc quốc gia của DN rất quan trọng đối với họ trong việc quyết định lựa chọn mua sản phẩm. Chính nhờ tình cảm của người tiêu dùng mà DN trong nước ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí trong những ngành hàng mà trước đây các công ty đa quốc gia luôn thống trị như dầu gội, nước ngọt có gas, sữa rửa mặt, sữa dưỡng da và sữa bột.
Niềm tự hào quốc gia là yếu tố rất quan trọng đối với người tiêu dùng trong việc quyết định mua sản phẩm của DN nội hay ngoại tại Việt Nam. Đã có gần phân nửa người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẽ chọn sản phẩm nội địa (48%) thay vì sản phẩm của DN ngoại (9%). Bên cạnh đó, yếu tố giá (40% người Việt chọn nhãn hàng nội địa) và các thành phần chế biến an toàn (27%) cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa sản phẩm nội hay ngoại của người tiêu dùng.
Khảo sát này cũng phù hợp với thực tế những năm qua. Chính niềm tự hào quốc gia đã giúp hàng Việt có chỗ đứng trên thị trường. Kết quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động đã cho thấy điều đó. Sau hơn 6 năm triển khai, có đến 92% người tiêu dùng rất quan tâm đến cuộc vận động, 93% người tiêu dùng xác định khi mua sắm sẽ ưu tiên chọn hàng Việt Nam, 54% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia về marketing, với lợi thế về hệ thống phân phối chuyên nghiệp, kinh nghiệm về kinh doanh cũng như kiến thức chuyên môn về quản trị ngành hàng, các công ty đa quốc gia rất mạnh về kênh thương mại hiện đại. Trong khi đó, các DN nội địa lại có thế mạnh kinh doanh tại kênh truyền thống.
Việc tận dụng tốt mạng lưới phân phối trực tiếp đến các cửa hàng cùng với kiến thức thị trường và mối quan hệ tốt với nhà bán lẻ đã giúp các DN này hoạt động linh hoạt trong thị trường truyền thống. Người tiêu dùng đánh giá sản phẩm của DN trong nước có chất lượng không thua gì hàng của các công ty đa quốc gia.
Có đến 69% người tiêu dùng Việt tin rằng DN nội có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Điều này được minh chứng rõ nhất thông qua việc DN nội thường chiếm ưu thế ở các ngành hàng mà các sản phẩm luôn được phát triển dựa trên nhu cầu và khẩu vị của người địa phương như thức ăn và nước giải khát.
Tại khu vực Đông Nam Á, các DN nội thuộc hai ngành hàng này có sự tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian qua, với mức tăng lần lượt là 17% và 10% của hai ngành hàng đồ uống và thực phẩm. Đây cũng chính là lý do để Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặt mục tiêu đến năm 2020, hàng Việt sẽ chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Ngoài những yếu tố trên, tầng lớp trung lưu gia tăng ngày càng nhanh đã thổi bùng khát vọng khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và tận hưởng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao cũng như lợi ích chức năng cao cấp hơn. Trước đây, DN ngoại, các tập đoàn đa quốc gia thường cung cấp các dòng sản phẩm cao cấp và DN nội tập trung ở những sản phẩm phân khúc giá rẻ.
Thế nhưng, hiện nay, DN trong nước đã chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Không chỉ có sản phẩm dành cho khách hàng phân khúc tầm trung, DN trong nước đã đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất sản phẩm cao cấp, và đã có nhiều DN xây dựng được thương hiệu cho "hàng hiệu Việt".
Cô Laura McCullough, Giám đốc Điều hành, bộ phận Dịch vụ Tư vấn khách hàng của Nielsen tại các thị trường đã và đang phát triển, cho rằng, với chi phí vận hành thấp, mạng lưới phân phối rộng khắp, sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi, các công ty nội địa đang trở thành đối thủ đáng gờm, cạnh tranh trực tiếp với các công ty đa quốc gia.