Hàng Việt Nam xuất hiện ở nhiều thị trường lớn trên thế giới

Với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng.



Hàng Việt đang phủ rộng tại nhiều nhiều quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp trở lại các thị trường như Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, các nước Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh…

Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế trong nước và nước ngoài đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng về doanh thu, đóng góp tích cực cho xã hội: năm 2013, nộp ngân sách trên 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 90 nghìn lao động và xuất khẩu trên 1 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, vẫn có một số vấn đề mà hệ thống xúc tiến thương mại cần khắc phục. Theo đó, việc đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Dẫn chứng về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank có tựa đề “Export Promotion Agencies: What works and what doesn’t”). Tính theo tỷ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.

Theo đại diện Bộ Công Thương, để khắc phục, việc triển khai đòi hỏi phải đồng bộ, kết nối với các ngành khác để tập trung được các nguồn lực thực thi và hướng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn. Đó cũng chính là yêu cầu thực tiễn đặt ra cho hệ thống các cơ quan làm công tác xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương cần phải khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu

Cũng liên quan đến chương trình xúc tiến thương mại, năm 2016 được xem là một năm đầy thách thức khi mà Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP) và các hiệp định song phương. Trước yêu cầu mở cửa hội nhập đó, công tác xúc tiến thương mại ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do ngoài những lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược, thì các ngành sản xuất trong nước được dự báo là chịu nhiều tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

“Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia vào mở ra cơ hội lớn cho đất nước, khi được hưởng các lợi thế về mở cửa có từ các Hiệp định. Những đối tác mà chúng ta ký kết Hiệp định thương mại tự do đều là những đối tác lớn như EU, Mỹ,.. Tuy nhiên, các cơ hội là vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta chờ đợi cơ hội tới, mà vẫn phải liên tục thực hiện các hoạt động tìm kiếm. Các hoạt động tìm kiếm ở đây không chỉ ở mở rộng thị trường mới, mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào thì vẫn cần tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và bằng nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp, bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực như thị trường Châu Á, các thị trường khác thuộc các khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… đã có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường mới sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu và tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường truyền thống.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA.

Trong đó, tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp với các hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực, hiệu quả cao như: tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đặc biệt chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai..

 

Bình luận của bạn