Hàng Việt ngược núi

Chợ phiên Xuân Đài (Tân Sơn) là một kênh phân phối góp phần giúp nhân dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm hàng Việt với giá cả hợp lý, chất lượng tốt.

Chợ phiên Xuân Đài (Tân Sơn) là một kênh phân phối góp phần giúp nhân dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm hàng Việt với giá cả hợp lý, chất lượng tốt.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc đưa hàng Việt về các huyện miền núi đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để người dân vùng sâu, vùng xa mua sắm, tiêu dùng hàng Việt có chất lượng với giá cả hợp lý, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.

Không tấp nập, vội vã như vùng xuôi hay thành thị, những chuyến hàng Việt lên vùng cao không nối đuôi nhau thành hàng dài mà vào mỗi sáng sớm, cứ chốc chốc lại thấy những chiếc xe tải nhỏ ì ạch leo dốc, sau khi giao hàng, rời các cửa hàng tạp hóa lại nhẹ nhàng về xuôi. Chợ phiên Tân Phú họp vào các ngày thứ 3, thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Đồng bào người Dao, người Mông, người Mường… tận khu Bến Thân (xã Đồng Sơn) hay Mỹ Á (xã Thu Cúc) vẫn thường xuyên xuống chợ mua sắm. Sáng sớm, họ là những người đi bán hàng, xuống chợ mang theo các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc trưng của núi rừng như: Rau dớn, mướp đắng, gà “chạy bộ” hay lợn “tên lửa”… Tan chợ về bản, họ là những “tiểu thương”, những con “ngựa sắt” thồ theo nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như: Mắm, muối, quần áo, các loại bánh kẹo, đồ gia dụng… Ngoài điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa cố định ngay tại các xóm, bản, những “tiểu thương” đi chợ còn góp phần quảng bá, tiêu thụ hàng Việt và các đặc sản của địa phương, giúp các hộ gia đình, các doanh nghiệp, làng nghề tiêu thụ sản phẩm bền vững, người tiêu dùng vùng cao mua được những sản phẩm cần thiết, chính hãng, chất lượng tốt.

Anh Phùng Đức Lưu – Phó Bí thư chi bộ khu Đèo Mương 2 xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn cho biết: Trước đây, do kinh tế khó khăn, giao thông không thuận tiện, thiếu thông tin nên khi mua sắm bà con phần lớn chỉ quan tâm đến đắt hay rẻ chứ ít để ý đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm, đến khi sử dụng thấy nhanh hỏng, chất lượng kém thì lại bỏ hoặc mua hàng khác. Đến nay, dù nhiều đoạn đường vẫn đang được thi công dang dở nhưng chỉ mất mươi phút là chiếc xe tay ga cũng có thể lên tận bản; người dân ai cũng biết chữ nên khi mua hàng đều tìm hiểu thông tin của các sản phẩm in trên bao bì. Từ các mẫu mã, các sản phẩm hàng hóa bắt mắt, giá thành hợp lý, nhất là chất lượng, độ bền được cam kết đảm bảo nên bà con đã chuyển sang dùng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam…

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, trong năm 2016, Ngành Công thương đã tổ chức nhiều Hội chợ thương mại để giới thiệu, quảng bá các mặt hàng. Hội chợ Hùng Vương với quy mô 400 gian hàng và 15 hội chợ thương mại quy mô 70 – 100 gian hàng tại tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, cùng với việc tổ chức hội chợ đã tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện miền núi. Tại các địa phương đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn để nắm bắt và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết nối thị trường, tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu thị trường, chuẩn bị lượng hàng hóa khá dồi dào, phong phú chủng loại như: Thực phẩm đã qua chế biến, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa…

Đặc biệt, các chuyến hàng đều được tổ chức vào những dịp thích hợp như các dịp lễ, Tết hoặc sau khi đã thu hoạch xong mùa vụ. Người dân đến hội chợ không chỉ mua sắm mà còn được tham gia các trò vui chơi, giải trí tạo tinh thần hứng thú, thoải mái. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm còn được nhận quà khuyến mại của doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, nhờ đó đã thu hút nhiều hơn sự quan tâm mua sắm của người dân từ các hội chợ hàng Việt. Từ các hội chợ và từ các chuyến hàng lên với vùng cao mà người dân ngày càng tin dùng vào hàng Việt. Những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đã được thay thế cho nhiều hàng ngoại nhập kém chất lượng.

Vác, gánh, cõng, xe thồ… trước đây là những cách phổ biến để đưa các loại hàng từ dưới xuôi lên bản, nhưng ngày nay, hàng Việt ngược núi thông qua xe tải từ các cửa hàng, đại lý phân phối chính hãng. Người dân vùng cao được tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó hạn chế việc tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng. Hàng Việt ngược núi còn là biện pháp góp phần kích cầu, mở rộng thị trường giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Bình luận của bạn