Hàng Việt nhộn nhịp xuất ngoại đầu năm

Mở thêm nhiều thị trường mới

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phấn khởi cho biết ở thời điểm này công ty của ông không phải lo đầu ra, lo không có đơn hàng xuất khẩu mà đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng chất lượng tốt với giá hợp lý để đáp ứng cho các hợp đồng đã ký. Theo ông Bình, các lô hàng xuất khẩu trong tháng 1, tháng 2-2018 nhiều nhất là gạo hạt tròn Japonica được người tiêu dùng nhiều nước như Mỹ, Nhật, Úc… ưa chuộng.

“Các sản phẩm gạo hữu cơ của công ty như gạo lức tím than, gạo thơm Việt Đài được đối tác ngoại đặt mua rất nhiều. Chúng tôi không dám ký hợp đồng lớn mà chỉ ký từng tháng, tùy vào khả năng đáp ứng nguồn hàng cho đối tác” - ông Bình nói.

Đáng chú ý là giá gạo hữu cơ mà Công ty Trung An xuất khẩu cao gấp đôi so với gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. Ví dụ gạo tím than hữu cơ có giá xuất khẩu tới 1.500 USD/tấn, gạo thơm Việt Đài hữu cơ giá 1.000 USD/tấn.

Khoảng 500 tấn sản phẩm gà chế biến như gà rán, burger gà, gà viên… là khối lượng đơn hàng mà đối tác Nhật đặt hàng Công ty Koyu & Unitek mỗi tháng trong năm 2018. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở Đồng Nai hiện đang liên kết với đơn vị này, cho hay thị trường Nhật đang có nhu cầu lớn nên các đơn vị trong chuỗi liên kết xuất khẩu thịt gà đi Nhật sẽ mở thêm trại, tăng nguồn cung để đáp ứng khách hàng.

Nhiều loại trái cây Việt Nam như thanh long, xoài, bưởi… được các thị trường khó tính chấp nhận. Ảnh: Quang Huy

Ngay đầu năm 2018, công ty đón nhận thêm nhiều đơn đặt hàng mới, riêng khối lượng khách hàng đặt trong tháng 1-2018 đã tăng gấp đôi so với tháng 12-2017. Đặc biệt một số thị trường mới như Canada, Đức đặt mua khối lượng lớn thanh long, chôm chôm, nhãn, dừa, bưởi.Cũng nhận được nhiều tin vui từ thị trường xuất khẩu năm nay là ngành trái cây sau một năm kim ngạch đạt mức kỷ lục. Từ khi xuất khẩu lần đầu tiên lô hàng vú sữa sang thị trường Mỹ vào cuối tháng 12-2017, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết đến nay đơn vị này đã xuất khẩu được khoảng 10 tấn vú sữa.

“Trái cây xuất khẩu mùa Tết bán được cao giá hơn bình thường khoảng 15%. Chúng tôi không phải lo đầu ra vì đơn đặt hàng hầu như suốt năm. Sắp tới công ty sẽ xuất khẩu mạnh sang Mỹ vì thị trường này đang rất hào hứng, các đối tác đều đã đặt trước đơn hàng” - ông Tùng chia sẻ.

Cạnh tranh khốc liệt với hàng Thái

Dù có nhiều thông tin tích cực về xuất khẩu ngay thời điểm đầu năm nhưng Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng vẫn lo ngại về khả năng cạnh tranh, cũng như những rào cản mà các nước đặt ra trong năm 2018. Ông Tùng nhận định: “Nhu cầu thị trường ngày càng cao, nhiều loại trái cây Việt Nam được thị trường khó tính chấp nhận nhưng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng đang gia tăng, nhất là nguồn trái cây của đối thủ Thái Lan. Do đó DN Việt không chỉ phải kiểm soát chất lượng tốt mà công nghệ bảo quản cũng phải nâng cao mới cạnh tranh nổi”.

Vị tổng giám đốc Vina T&T Group cũng cảnh báo đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng nếu DN Việt không quản lý được nguồn nguyên liệu thì rất dễ vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. “Vì vậy chúng ta chớ nên vội mừng, chủ quan mà quan trọng là cần liên kết tốt với đối tác để xây dựng các vùng nguyên liệu, xây dựng các vùng trồng an toàn thì mới thành công” - ông Tùng khuyến nghị.

Đại diện một công ty xuất khẩu trái cây khác cũng khuyến nghị cần tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, nhất là trái cây. Bởi trái cây chế biến có thể làm tăng giá trị gấp 10-20 lần so với trái cây tươi. Ví dụ khi xuất khẩu một loại trái cây tươi nào đó, chỉ có thể lựa chọn khoảng 40%-50% những trái có mẫu mã đẹp nhất, đồng đều nhất để xuất khẩu, phần còn lại không thể xuất khẩu được. Nhưng khi đưa vào chế biến sẽ khai thác được lượng rau quả tươi bị thải loại này.

Dù ngành thủy sản gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cảnh báo: DN Việt không nên phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và cần có giải pháp giảm rủi ro trong thanh toán với đối tác. “Hơn nữa, trong năm 2018 những khó khăn, rào cản từ thuế chống bán phá giá kèm theo những quy định trong đạo luật FarmBill từ thị trường Mỹ hoặc EU nên nhiều DN phải tìm kiếm những thị trường mới cho sản phẩm cá tra” - ông Hòe thông tin.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cũng đánh giá các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đã chuẩn bị tốt nhiều năm nay để cạnh tranh với hàng Việt và sẽ có những rào cản kỹ thuật nhưng buộc hàng Việt phải chấp nhận cuộc chơi. Để thắng trong cuộc chơi này, GS Xuân cho rằng cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất sản phẩm hữu cơ và đặc sản sẽ là những thế mạnh mà DN Việt cần xây dựng và khai thác.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục

Sáng 14/1, tại cảng Cát Lái, TP.HCM, VASEP tổ chức “Lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hoàn thành kế hoạch 8 tỉ USD”. Thông tin về lô hàng xuất khẩu đầu năm 2018 này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết có ba container hàng gồm tôm đông lạnh 20 tấn trị giá hơn 290.000 USD xuất khẩu đi Canada; 20 tấn cá biển xuất khẩu sang thị trường Mỹ trị giá hơn 216.000 USD và 22 tấn cá tra phi lê trị giá hơn 84.000 USD xuất sang thị trường EU. Tổng cộng trị giá lô hàng xuất khẩu thủy sản đầu năm trên tương đương gần 13,4 tỉ đồng.

Theo Bộ NN&PTNT, tính chung cả năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%... Việt Nam hiện đã có 10 mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD.

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhất là về xuất khẩu nhưng Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn. Ví dụ năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm.

Bình luận của bạn