Hàng Việt phải chinh phục người Việt

“Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh năm 2017” tại Bến Tre là cầu nối người tiêu dùng, nhà phân phối Bến Tre với các nhà sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh. Hàng Việt được sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định với người tiêu dùng nông thôn về chất lượng, uy tín và mong muốn được chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh giới thiệu mật ong hoa nhãn có nguồn gốc tại Bến Tre. Ảnh: C. Trúc

Giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm Việt

Là một trong những DN đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế biến mật ong với công nghệ cao, Công ty TNHH Mật Ong Võ Kiệt tham gia giới thiệu sản phẩm tại Tuần lễ với mong muốn giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông Võ Đức Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH Mật Ong Võ Kiệt cho biết, trên thị trường có rất nhiều người kinh doanh mật ong nhưng không kiểm tra và loại bỏ được tạp chất độc hại lẫn trong mật ong thiên nhiên. Người tiêu dùng còn nhầm lẫn giữa mật ong thiên nhiên và mật ong đảm bảo chất lượng tốt. Sản phẩm mật ong thương hiệu Võ Kiệt có kiểm tra chất lượng theo lô, tách thành phần, có thể thay thế rượu, bia và có hàm lượng vi sinh hỗ trợ tốt cho tiêu hóa.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Danh, một nhà sản xuất gạch bông có “tầm vóc” tại TP. Hồ Chí Minh kể: Tôi đã “say sưa” trong các câu chuyện kể về gạch bông với người tiêu dùng Bến Tre trong mấy ngày qua. Nói đến gạch bông là các sản phẩm gạch không nung, hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công, gần gũi và thân thiện với môi trường. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ xi-măng, bột màu, cát, đá. Nền gạch bông với mái lá dừa, vách gỗ dừa là một thiết kế kết hợp sang trọng, tôn tạo thiên nhiên, tăng vẻ sống động, tạo hấp dẫn từ cái nhìn. Thiết kế này gây ấn tượng với khách nước ngoài. Độc đáo ở sản phẩm là người tiêu dùng có thể đặt hàng nhà sản xuất tạo mẫu thiết kế độc quyền, tạo điểm nhấn riêng cho từng ngôi nhà. “Qua gặp gỡ với người dân, tôi cảm nhận có đủ niềm tin về người tiêu dùng đang thích thú sản phẩm của mình. Vì sự trở lại của sản phẩm này gần như vắng bóng sau gần 20 năm trên thị trường. Nó đã không chết đi mà còn trở lại thị trường với trên 1.000 mẫu sản phẩm. Nhiều người ngỡ ngàng bật ra câu hỏi: A! gạch bông đây mà! Gạch bông vẫn còn được sản xuất mà sản xuất ở đâu? Chính sự tò mò, ham thích về sản phẩm của người tiêu dùng đã giữ chân nhà sản xuất ở lại Bến Tre trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ mặc dù công việc rất bận rộn” - ông Sỹ nói.

Lấy lại thị phần trong nước

Sản phẩm gạch bông Thanh Danh vắng bóng trong nhiều năm qua do tập trung các thị trường xuất khẩu. Ông Sỹ cho rằng: “Chúng tôi đã phải thay đổi thái độ với thị trường nội địa vì sự đón nhận nồng nhiệt của họ. Sự bỏ ngỏ thị phần Việt Nam với hơn 90 triệu dân trong thời gian dài là tổn thất lớn đáng tiếc của DN”. Ông Sỹ kể, đã vô tình bắt gặp người Việt nhập khẩu gạch bông từ Canada về mà sản phẩm đó là của ông. Điều này làm ông thay đổi thái độ. Nhiều lần Thanh Danh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước. Sự “sống lại” của gạch bông Thanh Danh trên thị trường nội địa nói chung và các tỉnh, thành nông thôn nói riêng là một điển hình về cách nhìn nhận và sự cần thiết phải thay đổi thái độ với thị trường Việt Nam giàu tiềm năng mà các nhà sản xuất đã thờ ơ bỏ trống cho sản phẩm nước ngoài vô tư thâm nhập và phát triển thị phần.

Hay với các sản phẩm từ cà phê Buôn Ma Thuột, hạt điều Bình Phước… về Bến Tre, các nhà sản xuất mới giật mình rằng, người tiêu dùng đang nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm cũng như đang rất cần thông tin về hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Lê Tấn Minh - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Phó trưởng Ban tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm DN của TP. Hồ Chí Minh khẳng định: DN ngoại, hàng ngoại đang lấn sân sâu rộng vào thị trường trong nước mà đặc biệt là các tỉnh. Trong khi, nhà sản xuất hàng Việt chủ yếu tập trung ở thành phố và chỉ chú ý vào các thị trường xuất khẩu. Điều này đã thôi thúc TP. Hồ Chí Minh đứng ra làm “chủ xị” xác định vị trí quan trọng và tiềm năng của thị trường nội địa cho DN trong nước. “Nếu không thâm nhập và giữ được thị trường các tỉnh thì đồng nghĩa với DN Việt thua ngay trên sân nhà. Mục tiêu sau tuần lễ, DN phấn đấu duy trì sự có mặt liên tục của sản phẩm tại các tỉnh thông qua các nhà phân phối chứ không dừng lại ở việc bán lẻ. Ban tổ chức cũng hy vọng, qua Tuần lễ sẽ cùng đội ngũ DN tìm ra cho được những sản phẩm nào mà Bến Tre đang thiếu và nhà phân phối, người tiêu dùng muốn gặp nhà sản xuất. Ngược lại, thành phố sẽ đưa hàng hóa của Bến Tre ngược về thành phố.

Tuần lễ đã khép lại với các sự kiện nổi bật về kết nối thương mại và du lịch vào đêm 15-5-2017. Về quan điểm và hoạt động của TP. Hồ Chí Minh đã giúp DN Bến Tre thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa để tìm cách phát triển thị phần, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, tăng cường gặp gỡ và cung cấp đầy đủ thông tin về hàng Việt cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bến Tre sẽ tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm DN của tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến vào năm 2018.

Bình luận của bạn