Hàng Việt rộng cửa đấu thầu trên "sân nhà"

Chỉ thị 13/CT-TTg vừa được ban hành ngày 4/4/2017 đã tạo cơ hội thực sự cho vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong đấu thầu dự án đầu tư và mua sắm dùng vốn ngân sách.

Nhiều gói thầu “quên” hàng Việt

Cần phải khẳng định rằng chủ trương ưu đãi sử dụng hàng sản xuất trong nước trong đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng minh bạch cho các nhà thầu trong nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong sử dụng vốn ngân sách. Hơn thế nữa sẽ khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, tạo hiệu ứng tích cực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, gần đây tình trạng phân biệt đối xử với hàng hoá sản xuất trong nước không phải là chuyện hiếm gặp khiến hàng Việt, nhà thầu Việt bị “đá văng” ngay trên sân nhà.  

.

Mới đây nhất có thể nhắc tới là gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy chở người thuộc dự án Trụ sở làm việc Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (chi nhành Bà Rịa - Vũng Tàu). Mặc dù thiết bị không có yêu cầu gì đặc biệt về kỹ thuật và các nhà sản xuất trong nước vẫn hoàn toàn chủ động trong sản xuất, bên mời thầu đã nêu yêu cầu với các ứng thầu như sau: “Tất cả hàng hoá được coi là hợp lệ nếu có xuất xử rõ ràng, hợp pháp theo những yêu cầu sau: Thiết bị phải mới 100%, sản xuất từ năm 2016 trở đi; Nhãn hiệu châu Âu, G7; Xuất xứ nhập khẩu chính hãng”.

Điều đáng lo ngại là, dù được báo chí phản ánh nghi vấn sai phạm song chủ đầu tư vẫn cố tình bảo lưu quan điểm “sính ngoại” của mình và các gói thầu vẫn được tiến hành chấm thầu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trong khoảng 2 năm trở lại đây, câu chuyện “sính ngoại” và phân biệt đối xử với hàng Việt trong đấu thầu đang có xu hướng gia tăng và được thể hiện ở bất kỳ loại sản phẩm nào có thể lựa chọn hàng ngoại thay thế. Có thể kể ra hàng loạt gói thầu như: gói thầu cung cấp, lắp đặt trạm biến áp và máy phát điện dự án trụ sở Công ty TNHH nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ; gói thầu cung cấp, lắp đặt máy phát điện dự phòng Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, gói thầu cung cấp lắp đặt 5 thang máy dự án Xây dựng trung tâm Ung bướu do Bệnh viện Trung ương Huế…

Liều thuốc đặc trị bệnh “sính ngoại”

Khách quan mà nói công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cũng bởi lẽ đó các nhà thầu hồ hởi đón nhận Chỉ thị 13/CT-TTg và coi đây là liều thuốc đặc trị căn bệnh “sính ngoại”, quay lưng với hàng Việt trong đấu thầu dự án và mua sắm công.

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết Chỉ thị 13/CT-TTg vừa có tính bao quát thực tiễn, vừa rất cụ thể, thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện. Đó là những tiền đề quan trọng để buộc chủ đầu tư, bên mời thầu tuân thủ chỉ thị này nghiêm túc.

Chỉ thị 13/CT - TTg là liều thuốc đặc trị căn bệnh “sính ngoại”, quay lưng với hàng Việt trong đấu thầu Dự án và mua sắm công. 

Chung nhận định, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, nhà thầu nhiều lần lên tiếng về vấn nạn phân biệt đối xử hàng Việt trong đấu thầu đã cho rằng, Chỉ thị 13/CT-TTg có 2 điểm đáng chú ý:

Một là, khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả.

Hai là, Chỉ thị cũng đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi quy định trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và xác định về sản phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, thuốc và vật tư y tế trong nước sản xuất được không đảm bảo chất lượng như đã được chứng nhận, thì phải đăng tải tên sản phẩm và nhà sản xuất trên phương tiện thông tin.

“Cần phải liên tục rà soát, thẩm định và mạnh tay đưa ra khỏi danh mục hàng hoá trong nước sản xuất được những sản phẩm mà doanh nghiệp không duy trì chất lượng ổn định nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu hàng hoá Việt, tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn”, ông Trần ThànhTrọng kỳ vọng.

Bình luận của bạn