Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Trung Đông
Ngày 20-12, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giới thiệu thị trường Trung Đông - Tiềm năng và thách thức”. Theo Bộ Công thương, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Đông tính đến hết tháng 11-2028, mới đạt 12,674 tỷ USD.
Trong khi tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông còn rất lớn. Trung Đông có nên kinh tế phát triển mạnh, GDP/người ở mức cao 30.000USD - 60.000USD/năm.
Trung Đông còn có thế mạnh, tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, tiềm năng về tài chính, nguồn vốn, khả năng thanh toán cao. Nhu cầu nhập khẩu cao về hàng hóa như lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng.
Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hầu hết các quốc gia Trung Đông đều có nền sản xuất nông nghiệp chưa phát triển nên nhu cầu nhập khẩu đối với các loại lương thực, nông sản, thực phẩm rất cao.
Hiện tại Trung Đông nhập khẩu thực phẩm khoảng 40 tỷ USD/năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
Thuế nhập khẩu của các nước Trung Đông cũng khá thấp, chỉ 0% - 0,5%. Chỉ tính riêng UAE, vì không có lợi thế về thủy hải sản nên sản phẩm nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu trong nước, 75% nhu cầu còn lại phải phụ thuộc vào nhà nhập khẩu.
Cà phê hiện đang là thức uống phổ biến tại UAE, hơn 4.000 quán cà phê đang hoạt động, trên 80% dân số sử dụng cà phê hàng ngày. Chè và cà phê cũng được xem là thức uống phổ biến và được ưa chuộng như một nét văn hóa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó,Việt Nam lại có nhiều thế mạnh về các mặt hàng xuất khẩu như gạo, nông sản, thủy sản, rau củ quả... Năm 2017, Việt Nam đã xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm sang Trung Đông đạt 774,6 triệu USD.
Mặt khác, mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Đông cũng nhiều, có 8 đại sứ quán của Việt Nam (6 thương vụ) tại Trung Đông và có 9 đại sứ quán các nước Trung Đông tại Việt Nam.
Để có thể tận dụng được những tiềm năng, lợi thế này, các doanh nghiệp Việt cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành; xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn và tập quán tiêu dùng của các nước.
Không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ, tôn giáo khác...) liên quan đến sản phẩm hoặc trên bao bì sản phẩm; Các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm nhập khẩu cần phải có chứng nhận Halal. Bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả Rập. Đồng thời nên xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường Trung Đông.