Hàng Việt tại chợ Đồng Xuân: Tín hiệu khả quan
Nếu như cách đây 4 năm, tại chợ Đồng Xuân, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 80%, thì nay ở nhiều ngành hàng chiếm đến hơn 70% là hàng Việt.
Hàng Việt “phủ sóng” lớn
Đồng Xuân là chợ đầu mối bán buôn lớn của Hà Nội, cung cấp hàng cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Hiện nay, tại đây có 2.316 tiểu thương kinh doanh rất nhiều ngành hàng từ vải, quần áo, túi xách, giày dép, đồ công nghệ, thực phẩm…
Trước đây, chợ đầu mối này hàng Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, có thời điểm lên đến 90%. Nhưng cách đây 4 năm, Ban quản lý chợ Đồng Xuân đã tổ chức nhiều hội nghị và các cuộc gặp gỡ để tìm giải pháp thúc đẩy đưa hàng Việt vào chợ. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, tỷ trọng hàng Việt vào chợ đã có những kết quả đáng mừng.
Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân - cho biết: Hiện nay, hàng Trung Quốc tại chợ Đồng Xuân đã giảm và hàng Việt Nam tăng hơn trước. Đơn cử, ngành hải sản chiếm 100%; nông sản thực phẩm, hàng Việt chiếm 80%; giày dép chiếm 70%; vải sợi chiếm 45%; quần áo chiếm 40%...
Các mặt hàng này đều có xuất xứ từ các làng nghề và các DN trong nước. Chẳng hạn, vải sợi được sản xuất từ Công ty Thái Tuấn, Phước Thịnh, lụa tơ tằm Hà Đông…; quần áo sản xuất từ Công ty Hanosimex, Công ty Hùng Dũng (Hải Phòng), Công ty Gia Hồi (TP.Hồ Chí Minh)…; giày dép sản xuất từ Công ty Giày Viễn Thịnh hoặc các làng nghề ngoại thành Hà Nội; hải sản có xuất xứ từ khu nuôi trồng hải sản Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên…
Dạo một vòng quanh chợ, dễ dàng bắt gặp các biển hiệu quảng cáo như “Tự hào thương hiệu hàng Việt”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Chị Nguyễn Thị Quý - chủ quầy 344A1, chuyên kinh doanh giày dép tại chợ Đồng Xuân - chia sẻ: “Tôi là một trong những hộ kinh doanh hàng Việt sớm nhất tại chợ, từ cách đây 4 năm. So với kinh doanh hàng Trung Quốc, hàng Việt ít tồn đọng do bảo đảm chất lượng và người Việt Nam đã tin dùng hơn. Nhờ đó, doanh thu của cửa hàng mỗi năm khoảng 3-4 tỷ đồng”.
Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt
Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng, hàng Việt vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tiềm năng khai thác rất lớn tại chợ Đồng Xuân. Ông Thủy thừa nhận: Sức cạnh tranh của hàng Việt còn yếu; mẫu mã nghèo nàn, vì vậy chưa thúc đẩy được sức mua và bán. Trong khi đó, hàng hóa của Trung Quốc rất phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng luôn thay đổi, giá cả lại hấp dẫn.
Điều khiến doanh nghiệp (DN) và thương nhân chưa gặp được nhau là do cơ chế, chính sách của các DN chưa “mở” và họ không quan tâm nhiều đến thị trường chợ truyền thống. Nếu phía Trung Quốc thường mang hàng đến tận các quầy và tiểu thương bán được hàng họ mới lấy tiền, không bán được thì trả lại, thì các DN trong nước lại luôn muốn “nắm đằng chuôi”. Tiểu thương sẽ phải ký hợp đồng với họ với các điều kiện rất chặt chẽ, phải mua hàng với số lượng lớn và thanh toán đầy đủ…
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để hàng Việt có thể vào được chợ truyền thống cần có giải pháp dài hơi, quan trọng là các DN nên chú trọng đến phân khúc thị trường theo sức mua, khả năng thanh toán và thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhiều tầng tại thị trường chợ truyền thống sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng của hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Mỗi DN đều có thế mạnh riêng, nếu tạo dựng mối liên kết chặt chẽ sẽ tạo thế mạnh để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị phần hàng hóa tại chợ.