Hàng Việt tìm đường vào siêu thị ngoại
Không những nỗ lực đẩy mạnh đưa hàng hóa vào các siêu thị trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đặt chân đến các siêu thị ở nhiều nước trên thế giới.
Người tiêu dùng ở các nước như Hàn Quốc, Pháp, Đức… đã biết đến các sản phẩm, hàng hóa “made in Việt Nam” khi tại các siêu thị ở quốc gia này, nhiều mặt hàng như thủy sản, gạo, hồ tiêu, trái cây, đồ mây tre đan… của các doanh nghiệp Việt đã xuất hiện khá phong phú.
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, có mục tiêu phấn đấu hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả hệ thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Theo các chuyên gia, đây là một chủ trương đúng đắn của nhà quản lý trong việc thúc đẩy DN Việt sản xuất với tinh thần trách nhiệm hơn.
Như chúng ta đã biết, lâu nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài chủ yếu ở dạng thô, không bao bì, không xuất xứ… khiến cho các sản phẩm hàng hóa của các DN Việt đều không có tên tuổi và giá thành lại thấp. Đó là thiệt thòi lớn cho các DN Việt và đặc biệt là người nông dân Việt, vì chủ yếu các sản phẩm xuất khẩu là nông sản.
Theo nhận định của TS Lê Đăng Doanh, khi Việt Nam tham gia vào sân chơi quốc tế, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) được ký kết, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều được giảm thuế và giảm rất sâu, nhiều mặt hàng về 0. Đó là một thuận lợi cho các DN Việt có thêm cơ hội để xuất khẩu hàng hóa và đặt chân vào các siêu thị ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu của các quốc gia rất nghiêm ngặt đối với vấn đề xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, các DN Việt cần phải chứng minh được rõ nguồn gốc, xuất xứ, có bao bì… mới có thể đưa hàng vào siêu thị nước ngoài. “Và Quyết định 1513 của Thủ tướng chính phủ sẽ tạo động lực thúc đẩy các DN tập trung vào gây dựng thương hiệu sản phẩm của mình thay vì chỉ xuất khẩu thô như trước đây” – ông Doanh nêu quan điểm.
Nỗ lực thúc đẩy đưa hàng Việt đến với các kênh phân phối, bán lẻ ở nhiều thị trường trên thế giới, thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm “made in Việt Nam” tại nhiều quốc gia. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương trong cả năm 2014 và 2015, nhà quản lý đã chung tay cùng các DN nỗ lực đẩy mạnh hoạt động “Tuần hàng Việt” tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quảng bá và đưa hàng hóa “Made in Việt Nam” vào nhiều siêu thị tại các quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, tại Hàn Quốc, hàng Việt đã đặt chân 7 siêu thị lớn: Lotte mart World, Lotte mart ga seoul, Lotte mart Guro, Lotte mart Uiwang, Lotte mart Ansan, Lotte mart Kwangbok, Lotte mart sân bay Kimpo. Người tiêu dùng Hàn Quốc đã biết đến các sản phẩm hạt điều, tôm đông lạnh, cá khô, bánh phở, cà phê… của Việt Nam qua các kênh siêu thị này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, các chương trình mà nhà quản lý đang thực hiện tại nhiều thị trường quốc tế mới chỉ dừng lại ở việc xúc tiến, quảng bá. Để các sản phẩm, hàng hóa “made in Việt Nam” có được chỗ đứng ổn định, lâu dài tại các siêu thị quốc tế, còn cần phải những chiến lược dài hơi.
Một số DN cho biết, thực tế, đường vào siêu thị ngoại vẫn nhiều gian nan, thách thức, nhất là đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khâu chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải qua nhiều thủ tục, giấy tờ… đặc biệt phải qua nhiều khâu thu mua, trung gian nên để vào được siêu thị nước ngoài, cũng không phải đơn giản, do đó, dễ làm DN nản.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những thách thức mà các DN đang phải trải qua cũng chính là điều kiện để các DN trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi phương thức sản xuất hiện nay.