Hàng Việt và quyền lợi người tiêu dùng
Rồi thì Big C cũng đã phải thay đổi ý định khi cam kết lập tức mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong vòng 2 tuần sẽ tiếp tục mở thêm 100 đơn hàng tương tự.
Như vậy, cánh cửa đã mở ra, khi mà trước đó ngày 2/7, một thông tin rất bất ngờ phát đi từ Tập đoàn Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam là sẽ tạm dừng nhập tất cả các sản phẩm của các nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam. Dư luận dậy sóng và Bộ Công thương đã làm việc với lãnh đạo Central Group (sáng 4/7) để đưa đến thống nhất kể trên.
Trong cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với Central Group, cùng với việc cam kết mở đơn hàng cho các doanh nghiệp (DN), nhà cung cấp Việt Nam thì DN này cũng cho biết cũng phản ảnh, một số DN may mặc của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía Big C theo cam kết hợp đồng đã ký.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là ưu đãi các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Những năm qua, thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng rất rộng mở, nhiều tập đoàn bán lẻ đã vào Việt Nam xây dựng hệ thống - chuỗi cửa hàng kinh doanh, có mặt ở hầu hết các đô thị Việt Nam, nhiều nhất và cũng “hoành tráng” nhất là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các nhà đầu tư (trong đó có đầu tư chuỗi dịch vụ bán lẻ hàng hóa) đều đánh giá cao sự ủng hộ của Chính phủ, của chính quyền các địa phương của Việt Nam. Hầu hết các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều có lợi nhuận, đều thắng, trong đó có Big C.
Riêng về hệ thống Big C, có thể thấy hiện giờ đã có mặt ở hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam, với những vị trí thuận lợi cho kinh doanh. Phạm vi hoạt động của Big C những năm qua khiến nhiều người thuộc mặt thuộc tên như thể “DN của mình”. Nói thế để thấy, chủ trương mở rộng đầu tư của Việt Nam là bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Vì thế, việc Big C thông báo tạm dừng nhập sản phẩm dệt may của Việt Nam như đã nói là rất khó giải thích. Cũng cần nhắc lại, giai đoạn những năm 2015, 2016, khi thị trường bán lẻ của Việt Nam xuất hiện nhiều nhà bán lẻ ngoại và cuộc cạnh tranh rất gay gắt, thì chính lãnh đạo của Big C đã cam kết sẽ không có biến động về hàng Việt tại hệ thống siêu thị này. Chính những cam kết như vậy đã “được lòng” người tiêu dùng Việt Nam.
Vì thế nên khi DN này bỗng lên tiếng tạm dừng nhập các sản phẩm của các nhà cung cấp hàng may mặc phía Việt Nam, người ta vừa bất ngờ lại vừa khó hiểu. Cho dù trong thông cáo báo chí phát đi chiều ngày 3/7, Big C cho biết việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời. Rằng, Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới; đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình. Nhưng điều đó là không thuyết phục.
Một câu hỏi được đặt ra: Big C lại tạm dừng nhập sản phẩm may mặc của Việt Nam, có phải do sản phẩm may mặc của chúng ta chưa đạt chất lượng đủ để họ đón nhận?
Câu trả lời là rất rõ ràng: Sản phẩm may mặc của Việt Nam đã và đang xuất khẩu đi hàng chục thị trường trên thế giới. Hàng may mặc của Việt Nam luôn đứng trong top đầu các nước có kim ngạch xuất khẩu cao. Các DN dệt may Việt Nam đã chinh phục được cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc… thì không có lý do gì chất lượng những sản phẩm ấy lại thấp. Mà cũng không chỉ hàng dệt may, các sản phẩm hàng hóa khác của Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực đã ngày càng chinh phục được nhiều thị trường trên thế giới. Điều đó cho thấy, hàng Việt Nam càng ngày càng đạt chất lượng cao, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe ở các thị trường khác nhau.
Việc loại bỏ sản phẩm của nước chủ nhà khỏi hệ thống kinh doanh của mình không bao giờ là việc làm khôn ngoan. Điều đó không chỉ với Big C mà còn với tất cả các DN nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình hợp tác đầu tư, Việt Nam đã luôn tạo điều kiện cho DN đến từ nước ngoài. Người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa từng bài ngoại, mà chọn lựa sản phẩm một cách sòng phẳng. Với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” người Việt vẫn không tẩy chay hàng nước ngoài, mà các DN đều nỗ lực rất nhiều cho chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm của mình, trên tinh thần cạnh tranh một cách sòng phẳng. Do đó, bất cứ DN nước ngoài nào có ý định tạm dừng nhập các sản phẩm của các nhà cung cấp Việt Nam thì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Qua vụ Big C vừa kể trên, một lần nữa cần nhắc lại là các DN nước ngoài tại Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, tuân thủ Luật Cạnh tranh cũng như các quy định pháp luật khác của Việt Nam. Mặt khác, phía các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng cần sớm rà soát lại các quy định pháp luật, không để xảy ra những trường hợp tương tự như “vụ Big C” vừa rồi.