Hàng Việt vẫn chiếm hơn 60% nguồn cung tại các hệ thống bán lẻ

Khảo sát từ 100 doanh nghiệp có hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, trừ các nguồn khác không xác định (khoảng 5%), nguồn hàng nội địa hiện chiếm khoảng hơn 60% tổng nguồn hàng của các doanh nghiệp này, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 32%. Sau khi một số hệ thống bán lẻ ở Việt Nam như Metro Cash & Carry (Đức) và Big C (Pháp) ở Việt Nam lần lượt bị thâu tóm bởi các tập đoàn Thái Lan, mối lo ngại về việc hàng nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn hàng của các cơ sở bán lẻ, thậm chí đánh bật hàng nội địa ra khỏi chính thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai gần thường được nhắc tới thời gian gần đây.

Hang Viet van chiem hon 60% nguon cung tai cac he thong ban le

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, sự lo ngại này ít nhiều vượt quá mức cần thiết và không thực sự có căn cứ. Đánh giá được đưa ra tại dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Rủi ro của Ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập - Hiện trạng và Đề xuất chính sách” do Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) thực hiện. Đánh giá của đơn vị nghiên cứu dựa trên thông tin khảo sát thu thập được từ 100 doanh nghiệp có hoạt động bán lẻ tại Việt Nam.

Cụ thể, theo khảo sát, nguồn hàng nội địa hiện chiếm khoảng hơn 60% tổng nguồn hàng của các doanh nghiệp này. Trong đó, nguồn hàng mua trực tiếp từ nhà sản xuất nội địa chiếm vị trí lớn nhất (trung bình chiếm tới 46% tổng nguồn hàng của các doanh nghiệp). Nguồn hàng từ chính doanh nghiệp (trường hợp doanh nghiệp là nhà sản xuất và có các cơ sở bán lẻ sản phẩm do mình sản xuất) khiêm tốn hơn, khoảng 12%. Trung bình có khoảng 4% nguồn hàng là mua từ các nhà sản xuất nhưng thông qua các kênh trung gian. Số nhà bán lẻ bán hàng mang thương hiệu riêng của mình (thuê các đơn vị sản xuất gia công) rất ít, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng nguồn hàng. Về hàng nhập khẩu, hàng mà doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài chiếm 19% tổng nguồn hàng, số nhập khẩu gián tiếp thông qua các khâu trung gian chiếm 13% nguồn hàng.  

Nhóm nghiên cứu nhận định, như vậy, ít nhất với nhóm các doanh nghiệp tham gia điều tra, có thể thấy hàng nội địa vẫn đang chiếm tỷ trọng đa số trong tổng nguồn hàng của doanh nghiệp, cao gấp đôi so với nguồn hàng nhập khẩu. Mặc dù vậy, báo cáo nghiên cứu cũng thừa nhận, nếu hàng Việt Nam không được cải thiện về chất lượng, không tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu hút được người tiêu dùng Việt thì bị hàng nhập khẩu chiếm mất thị phần là có, nhưng đó là do người tiêu dùng quyết định, hoàn toàn không phải vì số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường cũng như hành động của họ.

Theo đơn vị nghiên cứu, có tổng cộng 100 doanh nghiệp có hoạt động bán lẻ phản hồi Điều tra, trong đó xét theo nguồn gốc vốn thì có khoảng 78% doanh nghiệp dân doanh nội địa, 5% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài20, 15% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2% lựa chọn khác. Số liệu này gần như tương đương với cơ cấu chung về nguồn gốc vốn của cả ngành, do đó từ khía cạnh này có thể nói nhóm doanh nghiệp được điều tra có tính đại diện khá cao.
 

Bình luận của bạn