Hàng Việt vì người Việt!
Nếu đối tượng của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là những người tiêu dùng Việt, thì đối tượng của Phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người" là các doanh nghiệp Việt. Người tiêu dùng và doanh nghiệp phải đồng hành với nhau thì con đường tiến tới ấm no, thịnh vượng mới có thể hanh thông, sự phát triển mới bền vững.
Động lực để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc. Động lực này sẽ tăng lên gấp bội khi hàng Việt Nam thật sự chinh phục người Việt Nam. Để làm được điều này, trước hết các doanh nghiệp Việt phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng của hàng hóa và dịch vụ do mình cung cấp. Hãy nhìn tinh thần của các doanh nghiệp Nhật. Đối với các doanh nghiệp Nhật, sản phẩm gì tốt nhất là phải bán ở trong nước và dành cho người Nhật. Chính vì vậy, ở Nhật Bản, hàng hóa bán ở trong nước bao giờ cũng có chất lượng cao hơn hàng hóa xuất khẩu. Ở Việt Nam, mọi chuyện có vẻ như lại xảy ra theo chiều ngược lại: Cái gì tốt hơn thì xuất khẩu, cái gì kém chất lượng hơn thì để tiêu dùng trong nước. Hệ quả tất yếu của cách làm này là thói quen sính hàng ngoại. Và, chính thói sính hàng ngoại lại làm cho các doanh nghiệp Việt điêu đứng.
Hãy phục vụ người tiêu dùng trong nước trước tiên! Hãy cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước trước tiên! Đó phải là phương châm hành động của các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Rồi, để chinh phục được người Việt thì giá trị gia tăng Việt phải được bổ sung cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Mọi sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải mang được bản sắc của văn hóa, hồn cốt của nước Việt. Điều quan trọng là làm sao để khi mua một sản phẩm, người tiêu dùng trong nước luôn luôn được hưởng thêm một lượng giá trị bổ sung của tinh hoa văn hóa Việt. Mua một chiếc bình trà thì được thưởng thức cả phong cảnh làng quê Việt, điệu múa cổ Việt… Ăn ở nhà hàng Việt thì được thưởng thức cả cách bài trí Việt, cả dân ca Việt… Sự bổ sung của tinh hoa văn hóa Việt còn làm cho các sản phẩm của chúng ta có sức hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài. Sức hút của du lịch văn hóa cho chúng ta rất rõ điều này.
Còn nữa, để chinh phục được người Việt, việc thay đổi triết lý kinh doanh là rất quan trọng. Kinh doanh là để tìm kiếm lợi nhuận thì ai cũng biết. Nhưng kinh doanh để phụng sự người Việt mới mang lại sức mạnh tinh thần to lớn cho các doanh nghiệp. Lợi nhuận sẽ đến nhờ vào tinh thần phụng sự người tiêu dùng. Đây lại chính là nền tảng để lợi nhuận đến một cách chắc chắn và bền vững nhất. Hãy coi "kinh doanh là việc tạo ra các khách hàng hài lòng".
Trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng việt và doanh nghiệp Việt, tình yêu bao giờ cũng phải đến từ hai phía. Đừng bao giờ chờ một tình yêu đơn phương.