Hàng Việt vững bước ra thế giới

Hơn 3 thập kỷ hội nhập kinh tế, hàng nghìn tỷ USD trị giá hàng hóa Việt Nam đã đặt chân đến khắp các nước trên thế giới. Trong hành trình đó, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam dần có những chuyển biến tích cực về cả sức đóng góp của doanh nghiệp (DN) nội, cơ cấu hàng hoá và năng lực đáp ứng các thị trường khó tính.

Đóng góp của doanh nghiệp nội

Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%); khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 101,13 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 69,7%. Như vậy, tỷ trọng đóng góp của DN FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Các con số trên cho thấy, DN trong nước đã từng bước cải thiện tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Nhận xét về xu hướng này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nói: “Điểm rất tích cực là khu vực DN trong nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI. Sự đảo chiều tăng trưởng này đã xuất hiện từ năm 2018 và tiếp tục kéo dài hơn một năm rưỡi qua. Đây là điều đáng mừng, cho thấy các DN trong nước đã dần cải thiện nội lực để tăng năng lực xuất khẩu hàng hóa”.

Với nhiều năm nghiên c‌ứ_u về xuất nhập khẩu của Việt Nam, ông Phương cho biết, những năm cuối thập niên 1980, khi mới vào Việt Nam, khối DN FDI chỉ đóng góp vài phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này đạt mức gần 20% trong những năm đầu của thập niên 1990 và sau đó tăng lên mức trên 70% trong năm 2018.

“Kim ngạch và tỷ lệ xuất khẩu của khu vực này liên tục tăng là bởi vì ngay từ khi vào Việt Nam, các DN FDI đã có định hướng xuất khẩu. Họ có thị trường, có q‌u_a_n h‌ệ thương mại với nhiều thị trường lớn nên chiếm lợi thế. Mãi gần đây, xu hướng này mới b‌ắ_t đầu đảo chiều. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy DN trong nước đang dần cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh để xuất khẩu”, ông Phương nói.

Phát triển bền vững để tăng sức cạnh tranh

Không chỉ chuyển biến tích cực từ sức đóng góp của DN trong nước, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam còn ghi nhận sự dịch chuyển cơ cấu hàng hoá đáng kể trong thời gian qua. Đánh giá về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo hướng tích cực. Đó là giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu”.

Đáng chú ý, đã có những nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” tiếp tục tăng tốc giá trị xuất khẩu. Theo cơ quan hải quan, 7 tháng đầu năm 2019, có 4 nhóm hàng có kim ngạch tăng thêm cả tỷ USD so với cùng kỳ 2018.

Đứng đầu về mức tăng là nhóm máy vi tính, sản phẩm và linh kiện. Dù không phải là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng với quy mô đạt 1‌8,56 tỷ USD, kim ngạch tăng thêm của nhóm hàng này lên đến 2,36 tỷ USD.

Tiếp đến là dệt may tăng 1,8 tỷ USD (đạt 1‌8,4 tỷ USD). Nhóm giày dép các loại cũng đạt bước tiến 1,18 tỷ USD (đạt 10,36 tỷ USD).

Trong khi đó, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện chỉ tăng thêm hơn 1 tỷ USD (đạt 27,49 tỷ USD).

Đánh giá về sức bật mạnh mẽ của mặt hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may Việt Nam đã có được những bước đột phá chiến lược mạnh mẽ về công nghệ sản xuất. Đó là việc nhiều DN đã chuyển sang lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm điện khi phải đáp ứng các quy trình công nghệ cao hơn. Một số nhà máy đã chuyển sang nhuộm bằng khí và ozone thay cho dùng nước. Bên cạnh đó, sản phẩm sợi của Việt Nam cũng được thị trường các nước đón nhận. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD.

“Nhờ những bước tiến đó mà sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được đ‌á_n_h giá tích cực hơn trên thị trường thế giới và sẵn sàng cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập mới”, ông Giang nói.

Bên cạnh dệt may, mặt hàng rau quả cũng ghi dấu ấn rõ nét trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 7/2019 đạt 244,30 triệu USD; lũy kế 7 tháng ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 0,13% so với cùng kỳ 2018. Trước đó, mặt hàng này từng có bước tiến mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2019, với kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải về sự tăng trưởng này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, điều này liên quan nhiều tới sự thay đổi về cách quản lý nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, cụ thể là quốc gia này chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, nhờ đó giá xuất khẩu rau quả từ Việt Nam tăng.

Tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong thời gian tới được ông Nguyên nhận định sẽ có tính bền vững. Ông Nguyên cho rằng, khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch thì chất lượng rau quả phải đi theo hướng an toàn, khi đã trồng theo các tiêu chuẩn an toàn thì không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường có tiêu chuẩn cao về rau quả khác cũng sẽ nhập khẩu rau quả Việt Nam.

Tiến bước trên những thị trường khó tính

Cùng với đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, hàng hoá Việt Nam đã mạnh dạn tìm chỗ đứng ở những thị trường khó tính nhất thế giới.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 33 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm đến 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chiếm ưu thế đối với hầu hết nhóm hàng chủ lực của Việt Nam. Điển hình như 2 nhóm hàng là điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 4,88 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ 2018; máy vi tính, sản phẩm điện t‌ử và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng dệt may từ nhiều năm qua. Trong 7 tháng đầu năm nay, đây tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 8,49 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật đạt hơn 11,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có mức tăng đáng kể. Cụ thể, hàng dệt may đạt kim ngạch 2,15 tỷ USD, tăng gần 5,4%; xuất khẩu phương tiện vận tải đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9,72%; xuất khẩu thuỷ sản đạt 811 triệu USD, tăng gần 10,5%.

Từ những chuyển động tích cực như trên cùng với sự chuẩn bị tích cực cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào năng lực cạnh tranh và khả năng vươn mình của hàng Việt Nam trên sân chơi toàn cầu trong thời gian tới.

Bình luận của bạn