Hàng Việt vững trong nước, vươn ra thế giới
Ngày 20-4, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là cuộc vận động) TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động. Chia sẻ tại hội nghị, nhiều đại biểu nhìn nhận đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt trong 10 năm qua. Ở các chợ truyền thống, người dân đã chọn sản phẩm hàng Việt thay vì chỉ chuộng hàng nhập khẩu như trước đó.
Gây ngạc nhiên lớn
Đại sứ hàng Việt, diễn viên Hạnh Thúy, cho biết trước đây, gia đình chị sử dụng hàng Việt theo nhu cầu, thấy sản phẩm nào tốt thì xài. Nhưng sau cuộc vận động, ý thức sử dụng hàng Việt của chị và gia đình đã thay đổi nhiều. "Chúng tôi và nhiều nghệ sĩ khác tham gia CLB Đại sứ hàng Việt nhằm lan truyền tình yêu hàng Việt cho những người xung quanh và khán giả. Hiện đa phần người dân đón nhận hàng Việt một cách tự nhiên như nhu cầu quen thuộc hằng ngày" - diễn viên Hạnh Thúy nói.
Những nghiên cứu, khảo sát thị trường về nhu cầu khách hàng gần đây của hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho thấy hàng Việt ngày càng được đánh giá cao hơn. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho hay theo kết quả khảo sát năm 2018, hàng Việt được người tiêu dùng đánh giá ở 3 khía cạnh: Sự thay đổi về hình thức tốt lên; sản phẩm chất lượng hơn; nhiều sản phẩm mới do doanh nghiệp (DN) Việt tạo ra đi vào thị trường ngách, phát triển tốt.
"Nhiều người đi siêu thị, cầm sản phẩm xem và thốt lên "ủa, hàng Việt mà được vậy à!" với một sự ngạc nhiên vì hình thức sản phẩm bắt mắt. Chất lượng hàng Việt cũng đang theo hướng xanh, sạch, hữu cơ" - ông Đức dẫn chứng.
Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động năm 2019, 74,9% người tiêu dùng được hỏi đánh giá chất lượng hàng Việt đã tốt hơn trước. Hàng Việt chiếm khoảng 90% tại các siêu thị.
Ông Trần Tấn Ngời, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho biết trong 10 năm qua, ban khảo sát, làm việc trực tiếp với các DN, chợ truyền thống... để đánh giá kết quả sâu hơn; tìm những thiếu sót, vướng mắc trong quá trình triển khai cuộc vận động nhằm khắc phục, tháo gỡ.
Trong 10 năm qua, chương trình hành động thực hiện cuộc vận động với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể do UBND TP ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN nâng cao năng lực, góp phần ổn định thị trường, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng trong nước và vươn ra quốc tế. Cuộc vận động đã thúc đẩy nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, chủ động đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nâng cấp cuộc vận động
Trong việc khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét cuộc vận động không chỉ là vấn đề kinh tế, vì kinh tế thị trường thì không có ưu tiên. Dù vậy, mua hàng Việt còn vì lòng yêu nước, ủng hộ cho người Việt.
"Vai trò cuộc vận động là ở đó. Vận động người tiêu dùng nhưng đồng thời phải gây sức ép để nhà sản xuất phấn đấu sản xuất hàng tốt, bởi hàng Việt tốt thì người dân mới mua. DN phải phấn đấu làm sản phẩm tốt hơn nữa, cả về chất lượng và hình thức. Khi ngày càng có nhiều người mua hàng Việt sẽ cộng hưởng làm cho nền kinh tế phát triển" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cuộc vận động cũng thúc đẩy DN nỗ lực vươn lên, vì muốn vào siêu thị phải có thương hiệu, có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ đó người dân cũng có niềm tin. Bên cạnh đó, nhà nước đã hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Bí thư Thành ủy, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của cuộc vận động là phòng chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ hàng Việt Nam chất lượng cao. "Thời gian tới, TP kiến nghị cuộc vận động được tiếp tục với người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chất lượng tốt. Đây cũng là cơ hội để hàng Việt hoàn thiện ở thị trường trong nước rồi phát triển ra nước ngoài" - Bí thư Thành ủy nói.
Ông Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đề nghị với vị trí là trung tâm kinh tế thương mại của cả nước, TP HCM cần chỉ ra những tồn tại, hạn chế cả về cơ chế, phối hợp của các bộ, ngành trung ương trong quá trình thực hiện cuộc vận động; qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là cách làm hay, mô hình sáng tạo và đề xuất những giải pháp để ban chỉ đạo trung ương bổ sung trong thời gian tới.