Hàng Việt xuất ngoại qua siêu thị
Thông qua các kênh siêu thị lớn như Lotte Mart, Co.op Mart, Big C... hàng loạt mặt hàng VN đã thâm nhập thành công các thị trường lớn như Hàn Quốc, EU, Nhật Bản...
Xu hướng này không chỉ giúp quảng bá hàng Việt với thế giới mà còn tạo đầu ra ổn định cho doanh nghiệp trong nước.
Dù đến nay giá trị các đơn hàng hiện vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của hàng Việt, nhưng về lâu dài đây là kênh xuất khẩu hiệu quả nếu
khai thác tốt.
Sản phẩm Việt được ưa thích
Ông Trần Hữu Trí, đại diện Công ty TNHH Hoàng Hưng (Khu công nghiệp Phú Tài, Quy Nhơn, Bình Định), cho biết gần hai năm nay các mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất gồm: bàn, ghế, tủ, giường của công ty đã xuất đi các nước châu Âu, Brazil... thông qua kênh phân phối hệ thống Big C VN.
Hiện mỗi tháng có khoảng 100 container hàng đưa đi châu Âu, so với năm ngoái số lượng đơn hàng đã tăng gấp 3 - 5 lần. Điểm thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất qua kênh phân phối trên là đều có nhân viên người Việt nên thông tin qua lại nhanh, việc thanh toán cũng hiệu quả. Bên cạnh đó, thị phần của hệ thống siêu thị lớn, sức ảnh hưởng của họ cũng lan tỏa nên có thể xuất đi châu Âu, Mỹ hay cả Nam Mỹ dễ dàng hơn.
Cũng tất bật với những chuyến hàng đi nước ngoài, ông Lê Hồng Thắng - tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành - cho biết doanh số xuất khẩu ở tất cả thị trường của gỗ Đức Thành mỗi năm đạt khoảng 10 triệu USD.
Điều đặc biệt 30% lượng hàng xuất khẩu đến từ khách hàng Hàn Quốc, trong đó có hệ thống siêu thị Lotte Mart. Năm 2014, doanh nghiệp xuất một lượng lớn đồ dùng nhà bếp bằng gỗ vào thị trường này thông qua siêu thị Lotte Mart Hàn Quốc với doanh số gấp nhiều lần so với bán tại Lotte Mart VN.
“Người Hàn rất ưa chuộng đồ dùng nhà bếp bằng gỗ. Trong cuộc gặp gần đây, phía Hàn Quốc rất quan tâm đến ghế tròn và máng treo quần áo” - ông Thắng nói.
Việc xuất khẩu qua Hàn Quốc của doanh nghiệp này cũng khá ngẫu nhiên. Ban đầu đưa sản phẩm gỗ vào bán trong hệ thống Lotte Mart VN, các nhà thu mua Lotte Mart Hàn Quốc biết đến và qua VN đặt hàng trực tiếp. Toàn bộ sản phẩm được chuyển thẳng đến Lotte Mart mà không qua bất kỳ phân phối trung gian nào. Và những đơn hàng ấy đã đưa Hàn Quốc trong vòng hai năm trở lại đây nổi lên là thị trường xuất khẩu chính của gỗ Đức Thành.
Không chỉ có đồ gỗ, mặt hàng được đón nhận nhiều nhất khi xuất hàng qua các siêu thị nước ngoài là trái cây, nông sản. Từng tham gia Tuần lễ hàng VN tại Pháp năm 2014, ông Hồ Quốc Nguyên - giám đốc đối ngoại Big C VN - cho biết rất nhiều loại trái cây VN như măng cụt, chanh dây, chôm chôm, nhất là thanh long, được người tiêu dùng Pháp đặc
biệt quan tâm.
“Đa số khách hàng được mời dùng thử các loại trái cây trên đều thể hiện sự yêu thích và quyết định mua dùng ngay. Ngoài ra, những mặt hàng đóng gói như trà túi lọc, bánh phồng tôm, bánh tráng, nem, cá phi lê đông lạnh và tôm sú đông lạnh cũng được khách lựa chọn nhiều” - ông Nguyên kể lại.
Theo các nhà bán lẻ, tiêu chí lựa chọn và đánh giá khi mua hàng VN là ưu tiên chất lượng, trong đó sẽ so sánh hàng VN với hàng nhập khẩu khác, mức giá, sự yêu thích của người tiêu dùng nước sẽ nhập khẩu, cuối cùng là hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu nước đó. Với một số nhà bán lẻ, việc lựa chọn còn dựa trên đánh giá uy tín doanh nghiệp VN của bộ phận nghiên cứu thị trường do hệ thống siêu thị tại VN quản lý.
Người tiêu dùng Pháp thưởng thức trái cây Việt tại siêu thị Casino Saint-Didier (Paris, Pháp) trong khuôn khổ Tuần lễ hàng VN tháng 11-2014 - Ảnh: Q.N.
Số lượng tăng nhanh
Ông Kim Tae Ho, giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart VN, cho biết lần làm việc với các nhà cung cấp VN gần nhất hồi tháng 6-2015, bộ phận mua của siêu thị đã chọn được thêm tám nhà cung cấp để xuất hàng qua Hàn Quốc. Giá trị các đơn hàng mới ở giai đoạn đầu, ước 500.000 - 1 triệu USD nhưng con số này còn tăng nhanh khi tháng 10 sẽ có một lượng hàng lớn xuất đi phục vụ hội chợ “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu” diễn ra trên 100 cửa hàng Lotte Mart tại Hàn Quốc. “Các nhóm hàng được chọn là trái cây, snack đóng hộp, nước yến, bánh gạo, các sản phẩm đậu phộng, các sản phẩm nhà bếp” - ông Kim Tae Ho nói.
Năm ngoái, hệ thống này đã kết nối cho 24 doanh nghiệp VN xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc thông qua hội chợ hàng VN tại hệ thống Lotte Mart Hàn Quốc, với tổng số lượng các ngành hàng lên đến 101 sản phẩm.
Tương tự, tại hệ thống Co.op Mart, ông Nguyễn Hoàng Anh - giám đốc marketing - cho biết doanh số xuất khẩu thông qua hệ thống này sáu tháng đầu năm đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2014, đạt mức 16 tỉ đồng. Các mặt hàng chủ lực vẫn là nông sản như thanh long, khoai lang...
Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết năm 2015 đơn vị đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu thông qua đối tác là hệ thống siêu thị Fairprice (Singapore) tăng khoảng 60%. “Năm 2014, Saigon Co.op đã xuất cho hệ thống siêu thị này một lượng lớn các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị khoảng 15 tỉ đồng. Dựa vào phản hồi của người tiêu dùng bản địa, chúng tôi sẽ có điều chỉnh phù hợp” - đại diện Saigon Co.op cho biết.
Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2015 của hệ thống Big C VN đạt hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu ở ngành hàng trang trí nội ngoại thất và thủ công mỹ nghệ, hải sản, túi mua sắm... được xuất đi các quốc gia như Pháp, Brazil, Uruguay, Colombia hoặc cho những đối tác tại nhiều nước khác như các nước châu
Phi, Philippines...
Hiện Big C đang tiếp tục tìm kiếm đối tác mới ngoài Tập đoàn Casino (như tại châu Phi). Dự kiến đến cuối năm nay, tổng sản lượng gạo xuất khẩu sang các nước như Gabon, Cameroon, Senegal và Congo đạt hơn 800.000 USD.
Vượt qua những rào cản
Theo ông Kim Tae Ho, nhóm hàng VN có tăng trưởng tốt sang thị trường Hàn Quốc là nông sản như tiêu, điều, cà phê và vật dụng nhà bếp bằng gỗ. “Siêu thị không trực tiếp mua hàng VN để xuất khẩu, mà bộ phận mua ở VN giới thiệu và gửi mẫu về Lotte Mart Hàn Quốc.
Sau khi Lotte Mart Hàn Quốc kiểm tra mẫu, nếu đồng ý mẫu và giá họ sẽ trực tiếp liên hệ với nhà cung cấp. Nhà cung cấp VN sẽ xuất khẩu trực tiếp sang Lotte Mart Hàn Quốc. Những mặt hàng đang được xuất đều đặn sang Hàn Quốc như ghế, móc áo gỗ cao su, tôm đông lạnh, bao tay cao su, mền gối Latex, dừa đông lạnh...” - ông Kim Tae Ho nói.
Nhà bán lẻ Aeon VN cũng cho biết hiện đã làm việc với hơn 1.000 nhà cung cấp tại VN, và con số này đang tăng nhanh khi giao thương giữa hai nước đang được thúc đẩy đáng kể. Chỉ riêng năm 2013, Aeon đã xuất khẩu được 60 triệu USD hàng VN sang các siêu thị trong hệ thống tại Nhật Bản, chủ yếu là hàng dệt may, thực
phẩm, giày dép...
Ở hệ thống Big C, đến nay danh mục hàng hóa xuất khẩu lên đến 700 sản phẩm của hơn 60 nhà cung cấp. Bộ phận mua đã hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước kiểm soát các quy chuẩn chất lượng và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp của VN trước khi xuất ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cho biết hiện vẫn còn nhiều khó khăn để có thể xúc tiến mạnh mẽ do hàng VN chất lượng còn hạn chế, chỉ có lợi thế giá rẻ, dẫn đến giá trị các đơn hàng chưa cao.
Trong khi đó tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng của các nước nhập khẩu thay đổi hằng năm, càng ngày tiêu chuẩn càng khó khăn hơn, phương pháp kiểm tra khó hơn, nhiều khi doanh nghiệp VN không theo kịp là coi như thua.
Nguồn: Dùng hàng Việt