Hàng Việt: Gian nan "cuộc chiến" trong các siêu thị ngoại
Hàng Việt vào siêu thị đã gian nan, nhưng khi vào được lại còn cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại trên các quầy kệ của siêu thị...
Gian nan “chen chân” vào siêu thị
Theo tin tức trên báo Thanh niên, mặc dù khi thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại VN, các tập đoàn ngoại đều công bố vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) và hàng VN. Thế nhưng trên thực tế, không bao lâu sau khi hệ thống Metro chuyển sang tay người Thái, hàng của nước này đã phủ dần ở các kệ hàng.
Hàng Thái có mặt gần như phủ kín tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi như Robins, B’smart và dự kiến sắp tới sẽ là Big C, hệ thống siêu thị vừa mới được đại gia Thái mua lại. Tương tự, người tiêu dùng trong nước cũng dễ dàng mua được những sản phẩm từ thịt bò đến quần áo, trái cây, hàng điện tử... của Hàn Quốc ở các siêu thị Lotte Mart, Emart hay của Nhật Bản tại hệ thống Aeon Mall.
Báo VOV thông tin, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình ở Đồng Nai nuôi gà thịt theo quy trình khép kín. Sản phẩm gà sạch của công ty đạt các tiêu chuẩn VietGap, HACCP… thường cung cấp sản phẩm cho các chuỗi cửa hàng chế biến thức ăn nhanh như: KFC, MC Dona…. Nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thâm nhập được vào các siêu thị do những chi phí bất hợp lý.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc sản xuất của công ty này cho biết: “Gà sạch nếu bán ra chợ truyền thống có giá 30.000 đồng/kg. Nếu đưa vào siêu thị sẽ có giá 45.000 – 50.000 đồng/kg nhưng nhà sản xuất sẽ phải chi phí thêm những khoản không hợp lý như chi phí chiết khấu, quầy kệ, sinh nhật, quảng bá …”.
Hàng ngoại đang chiếm vị trí ưu thế trên các quầy kệ của siêu thị ngoại tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Và cuộc chiến để không bị loại khỏi kệ hàng
Báo VOV thông tin thêm, doanh nghiệp Việt vào siêu thị đã gian nan, nhưng khi vào được lại còn cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại trên các quầy kệ của siêu thị. Hiện nay, một số siêu thị như Metro, Big C, Lotte, Aeon … hàng ngoại luôn ưu chiếm thế. Hàng ngoại không chỉ là những sản phẩm cao cấp, công nghệ cao mà những vật dụng thông thường từ miếng chùi nồi, rửa chén, bàn chải chà sàn nhà tắm, toilet…. cũng có chất lượng tốt, tiện dụng, giá thành rất cạnh tranh với hàng Việt.
Điều đáng nói là hàng Thái Lan cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam từ lâu và hiện nay đang chiếm vị trí ưu thế trong các siêu thị của doanh nghiệp Thái. Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội và hàng ngoại trong hệ thống phân phối hiện đại, Nhà nước phải có chiến lược về phát triển thị trường bán lẻ.
Đặc biệt, để loại hàng Việt, các siêu thị ngoại đang tìm mọi cách để thu phí, tăng phí đối với các DN VN.
Một DN kinh doanh hàng tiêu dùng kể, các siêu thị ngoại dường như đang muốn hất cẳng DN nội thông qua việc đưa ra hàng loạt mức phí. Ví dụ, phí mở mã hàng mới 20 triệu đồng và một sản phẩm nhưng có 3 kích cỡ khác nhau cũng bị tính là 3 mã hàng mới và phải đóng đến 60 triệu đồng. Hay như sinh nhật từng siêu thị cũng bắt DN đóng tiền, mở kho hàng mới cũng đóng tiền... Do đó, chưa cần cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu của Thái hay Hàn, Nhật thì với khoảng 10 loại phí khác nhau như hiện nay, nhiều DN trong nước đã không chịu nổi và đành rút lui khỏi các siêu thị ngoại.
Khi hàng hóa không còn được bày bán nhiều sẽ dẫn đến hệ quả sản xuất cũng dần dần bị thu hẹp. Do vậy, không chỉ thị phần bán lẻ của DN nội bị thu hẹp mà còn kéo theo hoạt động sản xuất của nhiều DN trong nước cũng co lại
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi các nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng nước họ là đương nhiên. Chính đại diện của Tập đoàn BJC của Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này. Ông Phú dẫn theo một thống kê của Bộ Công thương cho biết, hiện nay 75% hàng điện máy ở các trung tâm bán lẻ, cửa hàng là hàng Thái Lan; 40% hoa quả là hàng Thái Lan. Theo ước tính của ông Phú, với việc nắm trong tay hàng loạt trung tâm phân phối và bán lẻ, từ Metro đến Big C, B’smart thì người Thái đã nắm hơn 50% thị trường bán lẻ VN. Phần còn lại cũng bị chia sẻ nhiều cho các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Đài Loan...
Bên cạnh việc được ưu ái về vị trí, về chính sách, các DN nước ngoài còn tổ chức chương trình khuyến mãi thường xuyên và có dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi chu đáo. Điều này khiến cho hàng Việt ngày càng lép vế trong mắt người tiêu dùng nội địa. “Khi hàng hóa không còn được bày bán nhiều sẽ dẫn đến hệ quả sản xuất cũng dần dần bị thu hẹp. Do vậy, không chỉ thị phần bán lẻ của DN nội bị thu hẹp mà còn kéo theo hoạt động sản xuất của nhiều DN trong nước cũng co lại”, ông Phú nói.
Đáng lưu ý, theo quy định, các nhà bán lẻ nước ngoài không được phân phối gạo, đường mía, thuốc lá và xì gà... Thế nhưng, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của hầu hết các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte, Big C, Circle K, Metro Cash & Carry... đều bày bán công khai các mặt hàng này mà không hề bị nhắc nhở và xử phạt.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng: “Chúng ta phải kiểm tra các nhà bán lẻ nước ngoài xem họ có thực hiện đúng cam kết hay không? Nhà nước cần có các giải pháp về chế tài, kiểm tra xem những doanh nghiệp đó có thực sự bán lẻ hay không? Đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà bán lẻ Việt Nam đoàn kết lại, tạo ra chuỗi sức mạnh từ cơ chế đất đai, cơ sở hạ tầng, hàng hóa…”
Hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp ngoại và hàng ngoại đang dần chiếm lĩnh mạnh trên thị Việt Nam, hàng Việt ngày càng “rơi rụng” ở các quầy kệ của siêu thị. Nếu các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước không đoàn kết, hợp tác tốt với nhau để cùng phát triển thì việc “thua ngay trên sân nhà” đã hiện rõ.