Hạt gạo Việt vươn ra thị trường lớn

Nếu giá gạo Việt có thể tăng lên ít nhất từ 10 – 20% so với hiện nay, cuộc sống của hàng triệu nông dân trồng lúa ở Việt Nam chắc chắn sẽ cất cánh.

Câu hỏi lớn...

Hãy thử lên một kênh bán hàng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Alibaba, và gõ từ khoá “Vietnam rice price”, rồi sau đó lại thử tìm với từ khoá “Thailand rice price”, bạn sẽ thấy gạo trắng hạt dài của Thái Lan có giá từ 500 đến 600 đô la Mỹ mỗi tấn, trong khi giá gạo Việt Nam chỉ được các doanh nghiệp chào bán với giá từ 380 đến 420 đô la Mỹ mỗi tấn (thời điểm tháng 1/2016), chênh lệch từ 120 đến 180 đô la/tấn, tức gạo Thái có giá cao hơn ít nhất 35% so với gạo Việt Nam.

Bà con nông dân miền Tây từ hàng chục năm qua vẫn than thở giá lúa trên thị trường quá thấp và mãi vẫn không tăng. Trong cuộc trò chuyện với một nông dân đã có 20 năm trồng lúa ở An Giang, ông bộc bạch, nếu giá lúa tăng lên 500 đồng mỗi kg, tức chỉ 8-9% so với hiện nay, ấy đã là điều đáng mừng.

Lợi nhuận trồng lúa của nông dân Việt Nam thật ít ỏi và tích luỹ của nông dân sau mỗi vụ mùa thường rất khiêm tốn. Hạt lúa chuyên chở trên mình bao nhiêu âu lo, gánh nặng, từ trang trải cho nhu cầu sống của mỗi gia đình, đến việc học tập, đảm bảo tương lai cho con cái của người nông dân.

Tại sao giá gạo Thái bán được giá cao như vậy, giá gạo Việt lại không? Gạo Thái ngon hơn, an toàn hơn? Hay thương hiệu gạo quốc gia của họ cao hơn?

Thách thức thực sự hiện nay của ngành nông nghiệp thật rõ ràng và bức thiết. Nông dân phải bán được lúa với giá cao hơn, từ đó giúp nâng cao đời sống. Muốn vậy, gạo Việt trên thị trường xuất khẩu phải bán được giá cao hơn ít nhất từ 10 đến 20% so với hiện tại.

Với cách vận hành như từ trước đến nay, chất lượng của hạt gạo Việt rất khó để cải thiện. Canh tác lúa vẫn bị thả nổi. Đường đi của hạt lúa vẫn vô định từ đồng ruộng, xuống ghe của thương lái rồi về đến nhà máy, hàng chục giống lúa trộn lẫn vào nhau và không có cách nào để truy xuất được nguồn gốc.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo nhận định, sẽ không có sự thay đổi nào về giá bán, nếu phương thức tổ chức, vận hành hệ thống sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo của Việt Nam không thực sự thay đổi.



Con đường mới

Là một doanh nhân quyết đoán,nhạy bén trong kinh doanh và say mê với chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời là một trong số ít những doanh nhân Việt đang dốc tâm để giải bài toán nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Kể từ 2011,Tập đoàn Lộc Trời (tên gọi mới của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) là doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động xây dựng mô hình Cánh đồng lớn. Năm 2015, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời đã lên đến 91.114 ha. Tập đoàn đã đầu tư trực tiếp cho nông dân vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra.

Lực lượng "3 cùng" với hàng ngàn kỹ sư nông nghiệp hàng ngày cùng bà con thay đổi từ gốc đến ngọn phương thức sản xuất để cải thiện chất lượng lúa gạo, nâng cao phẩm chất của từng hạt lúa.

Với tầm nhìn xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, bắt đầu từ hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, Tập đoàn Lộc Trời cũng là đơn vị đầu tư mạnh nhất cho hoạt động chế biến lúa gạo. Với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, Tập đoàn đã xây dựng và đang vận hành hệ thống 5 nhà máy xay xát, chế biến và tồn trữ lúa gạo với công suất lên đến 1 triệu tấn/năm.

Đây là hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP của châu Âu, được đánh giá là qui mô và hiện đại hàng đầu Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay.

Với qui trình chặt chẽ và hệ thống chế biến hiện đại, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời của tập đoàn là thương hiệu gạo Việt đầu tiên vượt qua 603 chỉ tiêu về vệ sinh, an toàn thực phẩm khắt khe để chính thức được cấp giấy thông hành vào thị trường Nhật Bản.

Nhưng đó chỉ mới là những bước đi cơ bản. Ông Thòn luôn nhìn nhận, những thách thức lớn nhất vẫn còn ở phía trước. Những đồng nghiệp của ông Thòn kể lại rằng, thời điểm từ giữa năm 2015, trong những cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, luôn có một mục tiêu lớn nhất được đưa ra để thảo luận.

“Chúng ta có gạo phẩm chất cao hơn, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ động trong vùng nguyên liệu, truy xuất được nguồn gốc, nông dân phải đầu tư cao hơn, kỹ sư "3 cùng" phải đầu tư chất xám nhiều hơn, không có lý gì phải chịu bán gạo với giá thấp. Lộc Trời phải là người tiên phong mở được con đường mới trong việc nâng cao giá trị gạo Việt”,ông Thòn nói.

Không chỉ bằng chủ trương hay lời nói, những năm qua, Tập đoàn Lộc Trời đã có những hoạt động mạnh mẽ để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Luôn tích cực trong việc tìm kiếm thị trường mới, Lộc Trời đã chủ động đưa gạo của mình vào các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Châu Âu và Úc, bên cạnh đó cũng nhắm tới phân khúc cao cấp tại các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Philipines, Indonesia.

Tháng 10/2015, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp lúa gạo đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Lúa gạo bền vững SRP (tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc). Thành viên của SRP là các tập đoàn nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh lúa gạo cùng các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn nông sản hàng đầu thế giới.
Top 3 gạo ngon nhất thế giới

Tháng 11/2015, trong cuộc đấu xảo với 25 loại gạo ngon nhất của các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo quốc tế, sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Trời – Thiên Long”, làm từ giống lúa AGPPS103 của Tập đoàn Lộc Trời đã đĩnh đạc thắng giải Top 3 Gạo ngon nhất thế giới.

Giải thưởng của The Rice Trader được xem như một Oscar của ngành lúa gạo quốc tế này thực sự là một chứng nhận quan trọng về chất lượng của hạt gạo Lộc Trời.

Nông dân Việt Nam thực sự là những người trồng lúa giỏi nhất thế giới. Sự chăm chỉ, cần mẫn và gắn bó cả cuộc đời mình với đồng ruộng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa chất lượng hạt gạo Việt Nam từng bước được nâng cao.

 Việc bắt tay với doanh nghiệp để nâng cao giá trị và thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về hạt gạo Việt Nam, thực sự là một việc làm có ý nghĩa và kiến tạo nên tương lai chung của nền nông nghiệp nước nhà.

Nếu phải mất hơn 5 năm để giải bài toán nâng cao chất lượng thì việc xây dựng thương hiệu gạo Việt ở đẳng cấp quốc tế thực sự lại là một con đường dài và khó khăn hơn.

“Muốn bước ra thế giới, chắc chắn cần phải có thị trường trong nước vững mạnh”, ông Thòn khẳng định. Từ 3 năm qua, Tập đoàn Lộc Trời đã đưa thương hiệu gạo Việt Hạt Ngọc Trời đến với người tiêu dùng. Gạo Hạt Ngọc Trời hiện đã mặt rộng rãi tại các chợ truyền thống, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ thông qua hệ thống phân phối lớn mạnh trên toàn quốc.

Thông điệp của gạo Hạt Ngọc Trời rất rõ ràng: “Cơm ngon, an toàn sức khoẻ”, cùng với bao bì đẹp mắt, tiện lợi và định vị hấp dẫn: “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”, Tập đoàn Lộc Trời kỳ vọng sẽ được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
 

Bình luận của bạn