Hiệu quả nhân rộng điểm bán hàng Việt Nam

Với sự khởi đầu thuận lợi của mô hình điểm bán hàng Việt, điểm bán hàng đặc sản An Giang với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Tứ Sơn, Sở Công thương An Giang đã tiếp tục xây dựng, triển khai nhân rộng thêm 10 điểm bán hàng Việt cố định tại các cửa hàng kinh doanh bách hóa trên địa bàn. 

“Hiện, đã xây dựng thành công 7 điểm bán hàng Việt, nghiệm thu và đưa vào hoạt động tại 7 huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, An Phú và TX. Tân Châu (Phú Tân xây dựng năm 2015). Hiện, Sở Công thương đang tiếp tục đưa vào hoạt động 4 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, góp phần tạo lập hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định tại các siêu thị, chợ truyền thống”- Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam thông tin.
 
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân, Sở Công thương phối hợp Phòng Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Sản phẩm bày bán không chỉ niêm yết giá rõ ràng mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm… góp phần tăng thêm uy tín cho hàng Việt, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, kích thích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước cũng như trong tỉnh. Các điểm được hỗ trợ kinh phí trang bị tủ, giá trưng bày hàng hóa và hệ thống biển hiệu quảng cáo, hệ thống đèn chiếu sáng… Qua đó, các cửa hàng đã xây dựng được điểm bán hàng có quy mô rộng, văn minh lịch sự, hàng hóa phong phú, với hơn 95% hàng hóa là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hút nhiều người dân đến mua sắm.

Giữa tháng 11-2016, Sở Công thương An Giang đã tổ chức nghiệm thu mô hình nhân rộng thí điểm 6 điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu và An Phú. Tham gia mô hình này, các điểm kinh doanh ngoài việc được hỗ trợ bảng hiệu nhận diện điểm bán hàng Việt Nam, kệ trưng bày hàng hóa… còn được Sở Công thương tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng, xây dựng hình ảnh văn minh thương mại, quy cách trưng bày sản phẩm… Ngược lại, các điểm phải cam kết kinh doanh 100% hàng Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm, ưu tiên các mặt hàng là đặc sản của tỉnh và các sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đồng thời chấp hành đúng các quy định của nhà nước về giá và phải duy trì điểm bán hàng đến hết năm 2020.
 
Tại Điểm bán hàng Việt TX. Tân Châu, ông Võ Vĩnh Đức, chủ cửa hàng Bách hóa Huy Ngân (số 10B, đường Trường Chinh, phường Long Thạnh, TX. Tân Châu), cho biết: “Tôi rất vinh dự được Sở Công thương chọn là điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên trên địa bàn thị xã. Xây dựng điểm bán hàng Việt tôi được hỗ trợ một số trang bị phục vụ trưng bày như: Tủ, giá, hệ thống biển hiệu quảng cáo, hệ thống đèn chiếu sáng… giúp cửa hàng xây dựng được điểm bán hàng có quy mô rộng rãi, văn minh lịch sự, hàng hóa phong phú, với hơn 95% hàng hóa là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đây, hàng hóa tôi để lung tung, từ ngày xây dựng điểm, hàng hóa được bày lên kệ, ngay ngắn, sạch sẽ gọn gàng hơn, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn, tôi cũng quản lý được lượng hàng”. Bà Lăng Thị Vân, phường Long Thạnh, TX. Tân Châu thường xuyên mua hàng về bán lại và bán tiểu ngạch qua Campuchia không ngại bày tỏ: “Tôi rất thích sử dụng hàng hóa Việt Nam, bởi sự quen thuộc. Hàng hóa Việt rất phong phú, đa dạng, mẫu mã chất lượng tốt không thua hàng ngoại nhập, mà giá cả hợp lý, vừa túi tiền”.
 
Mô hình điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng tạp hóa Kiều Oanh (số 70, đường Lê Hồng Phong, ấp Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) và các điểm bán tại huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, An Phú cũng phát huy hiệu quả. Cùng với sự đầu tư về vật chất, tư vấn cơ chế, chính sách của Nhà nước, các cơ sở bán các sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Trưởng phòng Quản lý Thương mại-Sở Công thương An Giang Thái Quốc Phong cho biết: “Năm 2015, Sở Công thương cũng đã thí điểm thành công 2 điểm bán hàng Việt tại huyện Phú Tân và TP. Long Xuyên”. Bà Nguyễn Thị Mức, chủ cửa hàng tạp hóa Cô Ba Mức tại trung tâm thương mại thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) chia sẻ: “Tôi được hỗ trợ 2 chiếc kệ, mỗi chiếc dài 3 mét giúp cửa hàng trưng bày hàng hóa trật tự, gọn gàng và khoa học hơn, khách hàng rất thích, đến mua nhiều, doanh số bán hàng đã tăng lên hơn 50%”.
 
Có thể khẳng định, ngoài việc giúp nguời dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt đa dạng, phong phú và chất lượng, điểm bán hàng Việt Nam còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn; tạo chuyển biến mới về nhận thức trong Nhân dân, các tổ chức kinh tế – xã hội, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân. 

Bình luận của bạn