Hình thành thương hiệu cho các đặc sản của Thừa Thiên-Huế
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đúc đồng ở Phường Đúc, thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề.
Việc xác lập này nhằm bảo đảm tạo ra sản phẩm hàng hóa, ổn định chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống và tạo sự lan tỏa nhằm phát triển các lĩnh vực khác như du lịch-dịch vụ, góp phần giữ bản sắc văn hóa Huế và Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn này, tỉnh Thừa Thiên-Huế ưu tiên xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ruốc Huế, trà cung đình Huế, dầu tràm Huế, pháp lam Huế; đăng ký bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài đối với nhãn hiệu tập thể mè xửng Huế. Đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được xác lập, tỉnh tổ chức quản lý, khai thác và phát triển tốt thương hiệu các sản phẩm đặc trưng này.
Theo Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm như nhãn hiệu tập thể đúc đồng Huế, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá Huế, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể tôm chua Huế, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế.
Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nhãn hiệu tập thể ở địa phương như: nhãn hiệu tập thể gạo đỏ Quảng Điền, rau má Quảng Thọ, rượu làng Chuồn, gạo thơm Thủy Thanh, dưa hấu Vinh Lộc…, góp phần hình thành thương hiệu cho nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề của tỉnh.
Trên cơ sở phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn sử dụng địa danh nhầm lẫn cho các đặc sản Huế; tập trung xây dựng thương hiệu đặc sản Huế cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đặc sản địa phương, khuyến khích sản xuất các làng nghề phát triển.
Tại Phường Đúc, sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể đúc đồng Huế, để khai thác tốt các lợi thế của một làng nghề nổi tiếng, thành phố Huế đã hỗ trợ đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng và phát triển làng nghề đúc tại Phường Đúc gồm việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về khuôn đúc và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, Phường Đúc còn tổ chức lại làng nghề, kết hợp việc đầu tư phát triển nghề đúc đồng truyền thống với xây dựng các điểm tham quan làng nghề theo định hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Hiện, Trung tâm giới thiệu làng nghề Phường Đúc tổ chức được 12 quầy hàng chuyên bán các sản phẩm đồ đồng. Đặc biệt, có 18 hộ làm nghề đúc đồng trong phường được chọn làm khu vực vừa sản xuất, vừa tổ chức cho khách tham quan trong một tour du lịch gồm giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ bằng đồng, đồ nghi lễ thờ cúng, chuông đồng, lư đồng...
Chương trình này đã mở hướng đi đúng cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng, vốn nổi tiếng của Cố đô Huế...
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề; trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất. Với xu hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững, các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên-Huế không còn chỉ là nơi sản xuất của người dân vì mục đích kinh tế mà đang trở thành nét văn hóa của vùng đất sản sinh ra nó.
Việc khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du lịch, chính vì thế, không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương và các ngành hữu quan mà còn là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng, của chính những người thợ làng nghề đang trực tiếp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống Huế.../.
Nguồn: VietnamPlus