Hỗ trợ để hàng Việt bứt phá
Sau 9 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bước sang năm thứ 10, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Trong 9 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động, các bộ, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam uy tín đến người tiêu dùng; thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cuộc cải cách hành chính quy mô lớn trong lịch sử của ngành đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Đi đầu trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính”. Quan trọng hơn, việc cải cách hành chính được thực hiện trên tinh thần “Không chỉ nhằm vào thứ hạng, mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, đã góp phần đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bước sang năm thứ 10 của cuộc vận động cũng là thời điểm hàng Việt đang đứng trước những cơ hội rất lớn do Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó đã ký và có hiệu lực 10 hiệp định song phương và đa phương với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn mới, cũng như công nghệ sản xuất, kinh doanh, hệ thống quản lý tiên tiến…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa, thương hiệu Việt cũng ngày càng tăng lên do khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, năng lực sản xuất, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường phải căng sức trước những phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, trong khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe...
Để triển khai hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hàng Việt Nam chất lượng cao, về các doanh nghiệp uy tín nhằm thay đổi nhận thức của người dân với hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xây dựng, tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu có tính liên kết vùng miền giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối của doanh nghiệp các thành phố lớn với doanh nghiệp cả nước; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng tập trung đông dân cư, vùng nông thôn.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, sang năm thứ 10 thực hiện cuộc vận động, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới công tác truyền thông; tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hàng Việt; đổi mới công tác quản lý thị trường; sử dụng có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường trong nước. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm...
Theo bà Lê Việt Nga, Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo thiết thực, phù hợp với thực tế để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu; tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, học sinh sinh viên của các đơn vị trực thuộc Bộ ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam.