Hội nhập & dư địa cho hàng Việt

Đó là nhận định của các chuyên gia Bộ Tài chính trong cuộc họp thông báo một số nội dung liên quan đến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán của Việt Nam, tổ chức ngày 3/6 tại Hà Nội.

alt

Cho đến nay, Việt Nam đã ký 10 FTA, trong đó có 2 FTA mới ký kết là FTA Việt Nam- Hàn Quốc và FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Hiện Việt Nam đang xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết 4 FTA song phương và đa phương với EU, 4 nước Bắc Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc và Trung Quốc), Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cam kết về mở cửa thị trường là một trong các nội dung quan trọng trong hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam có mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA khác dự kiến đạt khoảng 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% tùy từng FTA. FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là Hiệp định

Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vào năm 2018, tiếp đó là Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2020, Hiệp định Thương mại ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA) vào năm 2021.

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, xét về kim ngạch xuất nhập khẩu, kể cả đối với các thị trường đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Liên minh kinh tế Á- Âu mới đây, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là các thị trường mà Việt Nam chủ yếu xuất siêu và chưa đi đến giai đoạn mà cả Việt Nam lẫn đối tác cắt giảm sâu thuế nhập khẩu. Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết hội nhập, đặc biệt là về các mặt hàng có lộ trình cắt giảm thuế để có chiến lược điều chỉnh sản xuất- kinh doanh, từ đó xác định lợi thế để đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một thách thức hiện nay của Việt Nam là bên cạnh một số ngành công nghiệp có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô... vẫn chưa có công nghiệp hỗ trợ thực sự phát triển. Do đó, dưới góc độ hoạch định chính sách, để tận dụng tốt khoảng thời gian trước khi bước vào giai đoạn giảm thuế sâu, cần tập trung rà soát quy hoạch phát triển ngành phù hợp với hội nhập, tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, thực hiện các cam kết theo hướng minh bạch, ổn định...

Theo http://baocongthuong.com.vn

Bình luận của bạn