Hướng đi mới phát triển làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trên cơ sở làng chạm khắc đá Mỹ nghệ truyền thống Ninh Vân.
Quyết định này đã mở ra một hướng đi mới phát triển làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất của làng chạm khắc đá mỹ nghệ tiếp cận và ứng dụng các loại máy móc tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Thăm làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân, chúng tôi mới thấy hết được không khí sản xuất rộn ràng của làng nghề truyền thống. Ngay đầu con đường dẫn vào làng đá đang được địa phương dựng một cổng chào lớn mang đậm nét làng nghề chạm khắc đá, thể hiện ngay ở chất liệu làm cổng hoàn toàn bằng đá xanh được trạm trổ hết sức tinh vi.
Con đường trải nhựa thẳng tắp dẫn vào làng đủ cho 2 làn xe ôtô với những cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng 2 bên san sát luôn nhộn nhịp hòa trộn những tiếng cưa, xẻ, đục, khoan với không khí lao động hăng say, tấp nập.
Theo nhiều cụ cao niên trong làng nghề, làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân có từ thời Hậu Lê cách đây gần 400 năm. Trải qua thăng trầm lịch sử, những năm trước đây làng đá phát triển chậm, có phần bị mai một, gặp nhiều khó khăn.
Nhưng từ thập niên 90 trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng nghề truyền thống đã được quan tâm đầu tư phát triển nhanh cả về quy mô sản xuất lẫn đa dạng sản phẩm. Trong những năm qua, làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân luôn được huyện Hoa Lư xác định là điểm nhấn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Hiện sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng các công trình thờ tự, tâm linh, đền chùa, công trình xây dựng, đá xây dựng và các công trình tượng đài lớn của đất nước. Hiện sản phẩm của làng có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, có giá trị cao cả về văn hóa, nghệ thuật và kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân, từ chỗ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, nay Ninh Vân đã hình thành một phương thức sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong cũng như ngoài tỉnh.
Hiện đội ngũ thợ lành nghề của Ninh Vân không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng, có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng. Những công việc thủ công của thợ nay dần được thay thế bằng các loại máy móc hiện đại, giúp giải phóng sức lao động cũng như nâng cao chất lượng, thẩm mỹ của sản phẩm, tạo được những nét hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ.
Về việc thành lập Cụm công nghiệp đã mỹ nghệ Ninh Vân, anh Đỗ Khắc Thái, người sản xuất kinh doanh ở thôn Xuân Phúc tâm sự: "Việc thành lập Cụm công nghiệp với những hỗ trợ ban đầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh là điều hết sức cần thiết và kịp thời đối với việc phát triển làng nghề truyền thống.
Gia nhập Cụm công nghiệp, ngoài việc được hỗ trợ ở mức 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp sản xuất và 20 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, chúng tôi không chỉ có được lợi ích về kinh tế mà còn có cơ hội ứng dụng các loại máy móc lớn vào sản xuất vì Cụm công nghiệp có quy mô lớn, không gian sản xuất rộng rãi, cơ sở hạ tầng đáp ứng được sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, việc di chuyển các xưởng sản xuất nhỏ lẻ vào Cụm công nghiệp còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế bụi đá trong khu dân cư."
Ông Võ Mậu Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Ninh Vân, cũng cho rằng quyết định thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân trên cơ sở mở rộng, bổ sung, điều chỉnh làng nghề, nâng tổng diện tích lên 30,6ha là chủ trương đúng đắn giúp làng nghề phát triển toàn diện với quy mô lớn.
Hiện trên địa bàn có trên 80 doanh nghiệp, 695 hộ sản xuất đá mỹ nghệ, đá xây dựng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.500 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Tổng giá trị sản xuất năm 2014 toàn xã đạt 267 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 đạt 164 tỷ đồng. Trong bất kỳ giai đoạn nào, giá trị sản xuất từ nghề đá cũng chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của địa phương.
Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương có làng nghề truyền thống phát triển, năm 2010, Ninh Vân được chọn là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình. Làng chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân là đòn bẩy tích cực trong việc thực hiện chủ trương lớn này.
Những ngày qua, tin vui đến với cán bộ và nhân dân xã Ninh Vân khi mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thẩm tra và phê duyệt Ninh Vân trở thành xã nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình. Sự ghi nhận kịp thời này sẽ trở thành nguồn động viên lớn để người dân Ninh Vân nói chung, người dân làm nghề đá Ninh Vân nói riêng vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo vietnamplus.vn