iBanhmi - Thương hiệu fastfood của người Việt

Mỗi món vừa mang tên gọi vừa đồng thời được chế biến theo đúng phong cách đặc trưng của nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới nhưng có hương vị “thuần Việt”.  Đây có thể nói là một trong những nét độc đáo nhất của iBanhmi - một thương hiệu Việt còn khá non trẻ, nhưng đã mang dáng dấp của những ông lớn trong ngành fastfood.
 
Một anh chàng đi Tây học, trở về nước được làm ở những vị trí quản lý trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp mà rất nhiều người phải ao ước, thế nhưng Nguyễn Danh Hiển đã bỏ tất cả để quyết định thực hiện ước mơ, khát vọng của mình là xây dựng được một thương hiệu đồ ăn nhanh của chính người Việt. Và trong kho tàng ẩm thực vốn dĩ được đánh giá vô cùng phong phú, hấp dẫn của Việt Nam, anh chàng “Tây học” này lại chọn một món ăn có thể nói là “dân dã” nhất để xây dựng thương hiệu đồ ăn nhanh, với mong muốn và quyết tâm sẽ "khoác" lên món ăn truyền thống đó của người Việt một chiếc áo mới, với một tinh thần mới chuyên nghiệp, đẹp đẽ, hấp dẫn và xứng tầm với giai đoạn hội nhập hiện nay của đất nước. iBanhmi được sinh ra trong tinh thần đó của Nguyễn Danh Hiển.

iBanhmi

iBanhmi thực chất được viết gọn từ tiếng rao “ai bánh mì đây…”, một tiếng rao mà có lẽ trong ký ức tuổi thơ của người Việt ở thành thị, không ai là không từng nghe qua một lần. Đặc biệt, người Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước, ai cũng đều đã thân thuộc với tiếng rao đó. Khi ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Danh Hiển hay nhắc đến tiếng rao để vơi đi nỗi nhớ quê hương của chàng trai gốc Hà Thành.

Chính vì vậy, mặc dù hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy trên khắp các đường phố Hà Nội, Sài Gòn hay các tỉnh thành lân cận khác, những hàng quán bán bánh mì mọc lên như nấm,… Đây cũng là một minh chứng cho thấy bánh mì là món ăn dân dã, quen thuộc mà thời nào cũng được người Việt Nam ưu chuộng. Thế nhưng Nguyễn Danh Hiển vẫn quyết định chọn bánh mì để làm thương hiệu đồ ăn nhanh của mình với mong muốn sẽ thêm một địa chỉ để nhắc mọi người về ký ức tuổi thơ.

Có lẽ chính lý do này, mà ban đầu thoạt nhìn, nhiều người đã lầm tưởng iBanhmi là thương hiệu của nước ngoài, bởi sự chỉn chu về hình thức, chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ. Với sự kết hợp của văn hoá Đông - Tây được xác định ngay trong tinh thần xây dựng thương hiệu, Nguyễn Danh Hiển đã và đang tạo lên một thương hiệu Việt quy tụ những giá trị mang tính hội nhập toàn cầu.
 
Cũng giống như những “ông lớn” trong ngành fastfood thế giới khi xây dựng các cửa hiệu đồ ăn nhanh, iBanhmi có mặt tiền đẹp, toạ lạc ở những vị trí trung tâm. Cửa hàng được bố trí theo phong cách bắt mắt, với cửa kính lớn cùng những những bộ bàn ghế sặc sỡ, quầy chế biến bằng kính khác biệt để khách hàng là những bạn trẻ luôn có không gian thoải mái, thuận tiện nhất cho nhu cầu check-in trong khi thưởng thức. Cách thức phục vụ cũng như bài trí của iBanhmi vô cùng chuyên nghiệp, phù hợp với thói quen sử dụng đồ ăn nhanh của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
 
Sau 2 năm nghiên cứu thị trường, đặc biệt thói quen người tiêu dùng với sự chuẩn bị khá chu đáo về chiến lược dài hạn, sự đa dạng sản phẩm, tháng 4/2015, iBanhmi chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên tại số 1 – Đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Không giống như những thương hiệu khác thực hiện chiến lược mở rộng bằng việc tăng nhanh độ phủ sóng hệ thống cửa hàng, chiến lược của ông chủ iBanhmi khá cẩn trọng với phương châm phát triển nhanh nhưng phải đi kèm với bền vững. Đến cuối năm 2015, iBanhmi mới mở cửa hàng thứ hai trên phố Phan Chu Trinh (Hà Nội). Cả hai cửa hàng của iBanhmi đều toạ lạc ở những vị trí đắc địa ở trung tâm.
 
Nhưng nếu chỉ nói như vậy thôi, thì đó mới là phần nổi trong tảng băng chiến lược đầy táo bạo chứa đựng một tầm nhìn dài hơi của doanh nhân trẻ 8X đầy khát vọng như Nguyễn Danh Hiển. Một trong những bản sắc độc đáo, khác biệt chỉ có ở iBanhmi đó chính là “không gian hội nhập ẩm thực bánh mì” mà Nguyễn Danh Hiển đã tạo ra. Hiện nay, iBanhmi có 8 loại vỏ bánh mì khác nhau. Điều đặc biệt là các loại vỏ bánh mì này đều được làm từ chính hệ thống lò bánh mì riêng của cửa hàng. Điều đó có nghĩa là iBanhmi kiểm soát hoàn toàn về vấn đề an toàn thực phẩm trong nguyên liệu làm vỏ bánh mì.

Việc đầu tư lò bánh riêng cho hệ thống cửa hàng được cho là khá tốn kém và để giảm chi phí này hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ đều đặt bánh mì tại các lò chuyên sản xuất bánh mì. Tuy nhiên, với một người đã từng có thời gian 2 năm trực tiếp làm việc tại thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới McDonald’s trước khi về nước, Nguyễn Danh Hiển đã học được sự chuyên nghiệp, bài bản, nghiêm túc và chuẩn xác trong xây dựng thương hiệu. Bởi vậy, mặc dù biết đó là sự đầu tư mạo hiểm, tốn kém nhưng ông chủ iBanhmi vẫn kiên quyết thực hiện với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đồ ăn nhanh.

Từ 8 loại vỏ bánh này, Nguyễn Danh Hiển đã kết hợp thành 16 món bánh mì và 4 set combo (suất trọn gói). Mỗi loại đều được mang tên và là những món bánh mì đặc trưng của thành phố nổi tiếng trên thế giới. Điều đặc biệt, những món bánh mì này đều được Nguyễn Danh Hiển “thuần Việt” để phù hợp với khẩu vị ẩm thực của người Việt Nam. Cầm trên tay tờ menu gọi món của cửa hàng, với những cái tên gọi: bánh mì Hà Nội, bánh mì Osla (Na Uy), bánh mì Madrid (Tây Ban Nha), Bangkok (Thái Lan), Paris (Pháp), NewYork (Hoa Kỳ),… khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang tận hưởng một chuyến du lịch ẩm thực vòng quanh thế giới.

Là thương hiệu khá non trẻ lại ra đời trong cơn lốc cạnh tranh, thế nhưng với lòng tự tôn dân tộc khi mong muốn xây dựng được thương hiệu của người Việt đạt chuẩn quốc tế, iBanhmi của doanh nhân trẻ 8X Nguyễn Danh Hiển sẽ là “mầm cây” khởi nghiệp đầy sức sống trong “vườn ươm” khởi nghiệp mà Việt Nam đang thúc đẩy.

Bình luận của bạn