Kế sách quan trọng để “Người Việt dùng hàng Việt”
Báo Lao Động dẫn ý kiến của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, muốn cuộc vận động đi vào người dân thì mỗi lãnh đạo phải làm gương, là những người tiên phong trong sử dụng hàng Việt; vận động cán bộ, đảng viên... ưu tiên sử dụng hàng nội địa.
Ngày 21.4, tại Bình Thuận, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm việc với Bình Thuận để khảo sát việc sử dụng hàng Việt trên toàn tỉnh
Bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận, cho biết: Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động, người tiêu dùng trong tỉnh đã có xu hướng sử dụng nhiều hơn các hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý thay vì dùng hàng ngoại nhập. Các doanh nghiệp đã tăng cường sản xuất hàng hóa, coi trọng chất lượng, với giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu Cuộc vận động.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phải đưa ra được dự báo và những yếu tố tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh để đưa ra phương hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới. Phải gắn cuộc vận động tới những vùng phát triển sản phẩm hàng hóa như sản phẩm nước mắm, thanh long... từ đó nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh muốn cuộc vận động đi vào người dân thì mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải làm gương, phải là những người tiên phong trong sử dụng hàng Việt.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên.. gương mẫu, tự giác trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước.
Cùng với đó cần tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường của địa phương.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý tỉnh cần quan tâm tới liên kết các nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh; không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh; cam kết thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm phát triển sản xuất tại địa phương.
Bình Thuận trong 10 năm đã kiểm tra 20.326 vụ, phát hiện và xử lý 9.811 vụ vi phạm, gồm: 1.156 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; 481 vụ vi phạm hàng nhập lậu; 22 vụ vi phạm về hàng giả; 552 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 3.697 vụ vi phạm trong kinh doanh; 1.105 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 2.798 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu thu nộp ngân sách nhà nước 61,7 tỉ đồng.