Khẳng định sức mạnh và thương hiệu hàng Việt Nam
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu của hàng Việt và góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp cùng sử dụng các mặt hàng, dịch vụ của nhau...
Khẳng định thương hiệu “Made in Viet Nam”
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng Việt ở thị trường nội địa. Hàng hóa Việt Nam đã có nhiều cải tiến về mẫu mã, chất lượng và giá cả để từng bước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu của các nước.
10 năm qua, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, của doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã được công nhận là “Thương hiệu mạnh”, “Thương hiệu có giá trị lớn” được một số tạp chí nước ngoài xếp hạng, được Bộ Công thương công nhận và được bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng yêu thích như: VNPT- Vinaphone, Petrolimex, Bảo Việt, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Vietnam Arlines, PVI, Đạm Phú Mỹ, Vinatex, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Bỉm Sơn….
Những sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp ngoài phục vụ thị trường trong nước, cũng đã vươn ra nhiều nước trên thế giới. Qua đó, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, tạo dựng được uy tín với đối tác và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã và đang khẳng định vị thế của sản phẩm may mặc Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao uy tín những sản phẩm dán nhãn "Made in Viet Nam", đưa Cuộc vận động đi vào thực chất hơn. Nhiều sản phẩm, dịch vụ đã thật sự chinh phục được đối tác, người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường nội địa, kết quả này được khởi nguồn từ chính nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp trong Khối đã chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuyến mại, hội chợ, triển lãm,... khẳng định hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, không kém hàng hóa nhập ngoại, giúp người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp các thương hiệu Việt Nam, có đủ thông tin so sánh, đánh giá về chất lượng hàng Việt. Tập đoàn Dệt May Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác với mọi đối tác trong và ngoài nước thông qua các hình thức liên doanh, hợp tác kinh doanh, tạo thị trường xuất khẩu lớn và ổn định; hiện Tập đoàn có quan hệ thương mại với hơn 400 tập đoàn, công ty đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.
Cuộc vận động đã tạo động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong việc thay đổi thói quen đầu tư, mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm tới các thương hiệu và doanh nghiệp sản xuất trong nước, đi đầu sử dụng hàng Việt Nam ở tất cả các công đoạn, một số doanh nghiệp điển hình đã phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70%-90%; mua sắm trang thiết bị làm việc tại các trụ sở doanh nghiệp, đơn vị hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 90% tổng giá trị được đầu tư.
Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình; chú trọng phát triển các kênh phân phối tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi; cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, đáp ứng mọi yêu cầu của tất cả các khách hàng, nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao và sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Hoạt động đầu tư mở rộng và phát triển thị trường nội địa đã được chỉ đạo, nghiên cứu, tổ chức thực hiện có kết quả. Một số doanh nghiệp chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư ở các vùng trọng điểm kinh tế quốc gia: các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, ... Nhiều dự án đăng ký với tổng mức đầu tư khá lớn, một số dự án đã được triển khai xây dựng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương: Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa,... khu vực Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng số gần 50 nghìn dự án được đầu tư với giá trị đăng ký hơn 1.751.000 tỷ đồng.... đã góp phần phát triển kinh tế xã hội nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao mức sống, chất lượng tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã có đóng góp lớn vào đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng và tiến độ, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nhiều công trình dự án, sản phẩm trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực: viễn thông, thủy điện, khai thác dầu khí, cung cấp điện cho các vùng biên giới và hải đảo, hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt.
Các doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương phát triển mạng lưới phân phối, bán hàng khuyến khích các thành phần kinh tế của địa phương liên doanh, liên kết mở rộng kênh phân phối, tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng hóa… Một số doanh nghiệp trong Khối tích cực tham gia Tuần lễ hàng Việt và đưa hàng Việt về nông thôn; bán hàng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; làm tốt công tác xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm hàng Việt đi đôi với tăng cường các biện pháp ổn định thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp như Dệt May, Xăng Dầu, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam,…đã tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm, cùng với các hoạt động như: khuyến mãi, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng… đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh Cuộc vận động.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Cuộc vận động trong những năm vừa qua, đồng chí Phạm Tấn Công, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, bằng những biện pháp đồng bộ của Đảng ủy Khối, các đảng ủy trực thuộc và vai trò tích cực, sáng tạo của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đã lãnh đạo các tổ chức đoàn thể vào cuộc hiệu quả, góp phần làm cho Cuộc vận động đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và người lao động trong cộng đồng doanh nghiệp. Chuyển biến tích cực nhất trong quá trình thực hiện Cuộc vận động là khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng sử dụng nguyên vật liệu có xuất xứ trong nước làm tư liệu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của nhau bằng cơ chế tương hỗ, giảm giá, ưu đãi đặc biệt. Qua đó, mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp trong Khối được hình thành và phát triển.
Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã chủ động nghiên cứu thị hiếu cũng như nhu cầu của đối tác, người tiêu dùng; ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất-kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tăng nguồn vốn đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 70% - 90%; tạo ra hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, tạo niềm tin đối với đối tác, người tiêu dùng trong nước. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu của mình, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm của doanh nghiệp; thúc đẩu hoạt động hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước, trong Khối đóng góp đáng kể vào việc phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa, hướng tới hội nhập quốc tế.
Đồng chí Phạm Tấn Công cho rằng, kết quả trên do các cấp ủy Đảng đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động của Bộ Chính trị và chủ trương của Đảng ủy Khối bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo và hiệu quả. Cuộc vận động đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, làm chuyển biến rõ nét về việc dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt thị trường trong vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần cung cấp sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân./.