Khi “đại sứ” nông sản Việt “cất cánh”
Chung tay cùng các địa phương tiêu thụ nông sản với giá cao, giảm bớt nỗi lo được mùa mất giá; đồng thời đưa các sản phẩm nông sản đến với đông đảo người tiêu dùng cả trong và ngoài nước - đó là lợi ích kép khi các loại nông sản được chọn để trở thành đồ ăn trên chuyến bay của các hãng hàng không.
Mới đây, Vietnam Airlines đã công bố, từ ngày 8/12-22/12, đặc sản cam Cao Phong - Hòa Bình sẽ trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách hạng Thương gia trên gần 70 đường bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đi châu Á, châu Âu, châu Úc và trên đường bay nội địa giữa Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình dài hạn “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương” với mục đích tạo đầu ra cho các vùng đặc sản và quảng bá sản phẩm truyền thống. Cam Cao Phong là loại loại quả đặc sản vùng miền thứ 3, sau vải thiều Lục Ngạn và nhãn lồng Hưng Yên được Vietnam Airlines lựa chọn để phục vụ hành khách.
Không đơn giản là một món ăn, nói như ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines - thì: “Ẩm thực trên chuyến bay là một trong những điểm chạm văn hóa đầu tiên của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Những hành khách của Vietnam Airlines sẽ được thưởng thức các đặc sản trứ danh như một lời chào từ đất nước hình chữ S. Đây là cách quảng bá bản sắc dân tộc, quảng bá sản phẩm Việt với người dân trong nước và bạn bè quốc tế”. Nói cách khác, vượt ra ngoài ý nghĩa của món ăn, các loại đặc sản này đã trở thành đại sứ, đại diện cho cả ngành hàng, nhóm hàng của mình trước người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy vậy, để trở thành sản phẩm được đưa lên máy bay không hề đơn giản. Đơn cử, trái cam Cao Phong được chọn phải được trồng trên những vùng đạt chuẩn VietGAP, trải qua quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu hái, chuyển vào kho mát ở nhiệt độ 5-7oC, ngâm khử trùng và giữ lạnh cho đến khi được đưa lên máy bay.
Hiện tại, các yêu cầu này là rào cản, nhưng cũng đồng thời là động lực để thay đổi thói quen trồng trọt, thu hái truyền thống. Đổi lại, các loại trái cây này sẽ có một vị thế mới khi trở thành một món ăn với đẳng cấp 5 sao và được thu mua với giá không hề rẻ.
Việt Nam nổi danh là quốc gia với quanh năm ngọt ngào cây trái. Trái cây Việt cũng đã trở thành một trong những sản phẩm được đưa ra giới thiệu, quảng bá trong không ít các sự kiện ngoại giao. Cùng với việc xuất hiện trên các chuyến bay, khi các “đại sứ” nông sản được quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng, câu chuyện “được mùa mất giá” nhiều năm qua vẫn vang lên như một nốt nhạc buồn mỗi mùa thu hoạch nông sản sẽ phần nào được hóa giải.