Không để mất thương hiệu Việt
Mục tiêu của Chính phủ trong năm nay là phải đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp (DN) lớn, như Sabeco, Habeco, Vinamilk,... Đây là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn diện, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhưng làm thế nào để thoái vốn hiệu quả, đồng thời giữ vững giá trị thương hiệu quốc gia, tránh trở thành “miếng mồi ngon” cho các chiến dịch săn lùng và thâu tóm từ các DN nước ngoài lại đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Doanh nghiệp ngoại “xếp hàng” chờ mua
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại 10 DN lớn như Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC),...
Việc Nhà nước thoái vốn tại những DN này đang là cơ hội cho nhiều tập đoàn, DN nước ngoài thâm nhập và thâu tóm thị trường Việt Nam. Bởi các DN lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk,… có vốn hóa trên thị trường rất lớn và đang giữ vị thế dẫn đầu trên các lĩnh vực hoạt động của mình.
Thực tế đã cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài luôn chờ chực và liên tục bày tỏ tham vọng mua lại các DN này, bởi với sản phẩm bia, chỉ cần nhìn vào lượng tiêu thụ luôn tăng trưởng từ 35% đến 40% tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của ngành này là rất lớn. Hiện đã có một số nhà đầu tư ngoại nằm sẵn trong các DN bia lớn của nước ta, như Carlsberg (Đan Mạch) đã mua lại hãng bia Huda, Halida và đang có những chiến lược thâu tóm Habeco bằng động thái bán nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu hồi đầu tháng 9 vừa qua để thay đổi chiến lược, tập trung ra thị trường phía bắc khi muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco từ 17% lên mức 30%.
Với tỷ phú người Thái-lan có thương hiệu ThaiBeverage, họ đã lên tiếng sẵn sàng bỏ một tỷ USD để mua lại 40% cổ phần của Sabeco. Mặt khác, việc tỷ phú này cũng đang nắm một lượng lớn cổ phần ở Vinamilk lên đến hơn 500 triệu USD lại càng chứng tỏ tham vọng nếu có cơ hội, ông ta sẽ bằng mọi giá mua lại Sabeco và Vinamilk.
Còn đối với "ông lớn" Heineken (Hà Lan) hiện đang chiếm 20% thị phần bia tại Việt Nam, hãng cũng muốn nhảy vào mua lại cổ phần của Sabeco. Nếu chiến thắng trong cuộc đua này, Heineken sẽ chiếm chọn 60% thị phần và thống lĩnh mọi phân khúc bia từ bình dân tới cao cấp. Vậy, khi bỏ ra hàng tỷ USD mua lại những thương hiệu nêu trên, các DN ngoại sẽ được gì trong khi chính những DN này lại đang là nhà sản xuất lớn, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng hơn nhiều?
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, các thương hiệu như Sabeco, Habeco đang là những DN hàng đầu của Việt Nam, chi phối, trụ cột trong các lĩnh vực của mình tại thị trường trong nước và cũng là số ít các DN Việt Nam có khả năng vươn ra cạnh tranh với thị trường quốc tế. Những DN này không chỉ mạnh về vốn, cơ sở sản xuất mà còn nắm giữ khá nhiều tài sản rất lớn khác như đất đai, nhân lực, hệ thống nghiên cứu phát triển,...
Nhưng điều cốt lõi chính là hệ thống kinh doanh, phân phối đã được hình thành từ lâu đời với hàng trăm nhà phân phối cấp một, hàng chục nghìn điểm bán lẻ trên cả nước được tổ chức tầng tầng lớp lớp từ thành thị tới nông thôn. Điều này sẽ rất có lợi bởi các DN ngoại chẳng cần phải làm gì mà vẫn có trong tay quyền chi phối toàn thị trường chỉ qua một thương vụ. Tuy nhiên, khi đã nắm được kênh phân phối, các DN ngoại sẽ chi phối thị trường Việt Nam bằng cách đưa sản phẩm ngoại của mình ra thị trường, lấn át các sản phẩm nội trên chính những đại lý phân phối mà các thương hiệu nội đã từng dày công xây dựng.
Thoái vốn nhưng phải giữ được thương hiệu
Quá khứ và hiện tại đã chứng minh rằng, nỗi băn khoăn, lo lắng mất thương hiệu vào tay các nhà đầu tư nước ngoài là có thật. Cách thức mà các nhà đầu tư ngoại tiến đến nắm giữ các thương hiệu nêu trên khá giống nhau. Ban đầu là liên doanh rồi thua lỗ triền miên, khi đó nhà đầu tư ngoại sẽ tăng phần sở hữu và cuối cùng là thâu tóm hoàn toàn.
Đã có một loạt thương hiệu trong nước có tên tuổi vang bóng trước đây vĩnh viễn bị xóa tên hoặc bán cho chủ mới. Thí dụ như trên thị trường bia, Huda Beer là một thí dụ đau thương khi thương hiệu này từng làm mưa làm gió tại thị trường miền trung và Nam Trung Bộ đã phải ngậm ngùi rời chủ sở hữu là tỉnh Thừa Thiên - Huế về với hãng bia Carlsberg. Kem đánh răng mang thương hiệu Dạ Lan nổi danh một thời cũng bị “lột xác” thành Colgate.
Tương tự như vậy, kem đánh răng P/S tuy không “mất hình” nhưng cũng vĩnh viễn “mất tiếng” trong cuộc liên doanh không cân sức với Unilever. Cùng với đó, thương hiệu Phở 24, Highlands Coffee từng là thương hiệu Việt khẳng định được tên tuổi trên thị trường, nhưng chính họ lại thâu tóm nhau để rồi bán mình cho đại gia Jollibee Food Corp (Phi-li-pin).
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng”, là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu, dù không nắm giữ phần lớn cổ phần và điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối, họ cũng không dại gì thay đổi thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm. Bởi để xây dựng và phát triển được thương hiệu phải mất rất nhiều thời gian cùng những chi phí kèm theo, trong khi những thương hiệu này đã giành được sự hậu thuẫn của phần đông người Việt. Đây là lý do giải thích tại sao một số liên doanh nước ngoài rất khôn ngoan, sau khi thôn tính công ty trong nước vẫn tiếp tục duy trì những thương hiệu Việt đã in sâu vào tâm thức người tiêu dùng. Thực tế cũng cho thấy, một số thương hiệu Việt từng bị “nốc-ao” một cách đau đớn, nhưng quả thực không oan ức, bởi vì họ đã sai lầm ngay từ đầu trong chiến lược bảo vệ chữ tín về chất lượng, giá cả sản phẩm.
Có thể thấy, những thương vụ thâu tóm thương hiệu sẽ mở đường cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa. Trong khi chúng ta đang vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng những thương hiệu Việt uy tín lại đang mất dần. Vì vậy, cần phải có một chiến lược gìn giữ và bảo vệ thương hiệu Việt. Trách nhiệm trước hết phải thuộc về chính chủ các DN, những người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về số phận của thương hiệu sản phẩm do mình sáng tạo ra, phục vụ người tiêu dùng lâu nay. Mặt khác, việc mua bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của thị trường toàn cầu hóa.
Vì vậy, thiết nghĩ nếu Chính phủ đã đặt mục đích phải giữ được thương hiệu quốc gia thì cũng nên có những chính sách, cơ chế và hàng rào kỹ thuật rõ ràng, ưu tiên cho các nhà đầu tư trong nước mua lại. Có thể họ sẽ không phải là người trả giá cao nhất, nhưng họ có tâm thế của người làm chủ, với tinh thần dân tộc lên cao, sẽ đưa DN phát triển tốt nhất và giữ được thương hiệu lâu nay do chính người Việt Nam xây dựng nên.