Kỳ vọng hàng Việt đúng chuẩn, đủ chất
Tiêu chuẩn về chất lượng ở các thị trường nước ngoài đặt ra ngày càng cao nên yêu cầu đặt ra với hàng Việt trong năm 2019 là vừa đúng "chuẩn", vừa đủ "chất" (được quốc tế công nhận) như việc làm móng nhà trước khi xây.
Cuộc điều tra bình chọn thường niên hàng Việt chất lượng cao (năm thứ 23) mới công bố cho thấy có 726 doanh nghiệp (DN) được người tiêu dùng (NTD) bình chọn. Trong đó, có 113 DN mới đạt lần đầu và 146 DN tạm rời khỏi danh sách bình chọn năm 2018. Đặc biệt, có 39 DN đạt liên tiếp 23 năm.
Đồng bộ sản phẩm
Để có được kết quả đó, cuộc điều tra bình chọn đã phải thực hiện trong 3 tháng, với việc thực hiện phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của 4 vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ). Ngoài ra, còn có thăm dò online với gần 4.000 ý kiến trả lời là NTD cả nước.
Kể ra điều này để thấy thước đo giá trị của những mặt hàng Việt chất lượng cao được NTD yêu thích, mà ở đó điều tối quan trọng là yếu tố tiêu chuẩn, chất lượng, chuẩn mực hàng hóa, khi mà NTD chỉ muốn chọn những sản phẩm phải đúng "chuẩn" và đủ "chất". Với 146 DN tạm rời khỏi danh sách bình chọn cũng là một bài học cho các DN cần tự vấn là tại sao lại như vậy.
Nói về vấn đề đúng "chuẩn" và đủ "chất" dưới góc độ một DN có uy tín về sản phẩm gạo sạch đang tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và đứng chân trên thị trường Singapore, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc công ty TNHH Cỏ May, cho biết công ty đã áp dụng nhiều tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình sản xuất, như ISO, GlobalGAP, HACCP… Tại công ty còn có hẳn một bộ phận quản lý hệ thống tiêu chuẩn.
"Điều này giúp cho công ty có được những sản phẩm đồng bộ, tránh trường hợp có sản phẩm 10 điểm nhưng cũng có sản phẩm chỉ 1 điểm. Điều đó đòi hỏi tất cả những sản phẩm trong hệ thống sản xuất phải đảm bảo một tiêu chuẩn phù hợp", ông Thiện nói.
Bàn đến "chuẩn" và "chất" cho hàng Việt, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ là điều không thể thiếu, nhưng chi phí cho công nghệ thì lại là thách thức lớn. Tuy nhiên, theo ông Lê Đặng Trung (công ty Real – time Analytics), không phải cứ áp dụng công nghệ là phải chi thêm tiền.
Chẳng hạn với mặt hàng rau củ quả, lâu nay người nông dân nghĩ rằng việc truy xuất nguồn gốc là tốn kém chi phí. Trên thực tế, đây là quan niệm sai lầm, bởi người nông dân hoàn toàn có thể được sử dụng miễn phí do hoàn toàn có thể tính tiền từ phía DN là những đơn vị thu mua.
Hơn nữa, khi những sản phẩm nông sản này ra thị trường, trên mỗi sản phẩm gắn những QR code riêng, thể hiện toàn bộ lịch sử của tiến trình sản xuất, từ lúc bắt đầu chuẩn bị đất đến gieo trồng, chăm sóc, bón phân, có hình ảnh, video, tọa độ…, nên NTD chắc chắn sẽ yên tâm. Khi người nông dân hay DN càng thể hiện được nhiều thông tin trong quá trình sản xuất của mình thì càng có cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn.
Làm "móng" trước khi "xây"
Trong vấn đề tiêu chuẩn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, băn khoăn rằng khi tìm đường ra thị trường nước ngoài, nếu DN Việt chỉ mang một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ tiêu chuẩn nào được chứng nhận thì chắc chắn sẽ "rớt từ vòng gửi xe". Hiện, trong bối cảnh hội nhập, vai trò của luật lệ quốc tế rất quan trọng, đòi hỏi các DN Việt phải thay đổi để đáp ứng được.
Chẳng hạn với ngành hàng nông sản, tiêu chuẩn về chất lượng ở các thị trường nước ngoài đặt ra ngày một cao (kể cả thị trường Trung Quốc). Để có mặt trên gian hàng và đến tay NTD nước ngoài, nông sản Việt phải đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia của họ về an toàn và chất lượng. Trong khi đó, để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP hiện không phải dễ, cả về các tiêu chí khắt khe lẫn thời gian để được công nhận.
Liên hệ đến sản phẩm thịt gia cầm trong vấn đề "chuẩn" và "chất", bà Nguyễn Kim Thanh, một chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng ngành hàng thực phẩm, cho biết khi đi ra nước ngoài tìm hiểu về chuỗi chăn nuôi gà với các tiêu chuẩn quốc tế mới thấy rằng chuỗi chăn nuôi gà ở Việt Nam còn thiếu.
Một chuỗi gia cầm là sự khép kín từ đầu đến cuối, chứ không phải riêng về từng công đoạn như chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, phân phối… Nếu có được điều này, khi đi đàm phán với những nhà bán lẻ ngoại, DN Việt sẽ dễ thuyết phục họ hơn.
Bà Thanh nhấn mạnh, các DN làm trong nước trước nhưng cần hướng đến thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi phải có một nền tảng vững chắc về tiêu chuẩn, như việc làm móng nhà trước khi xây.
Theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, hiện nay, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm yêu cầu phổ biến nhất tại thị trường EU có thể kể đến là BRC, khởi nguồn từ Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc. BRC là một nỗ lực để kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và luật định của các thị trường EU.
"Phía các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ EU cũng cần tiêu chuẩn này như một bằng chứng thuyết phục để họ lựa chọn các nhà cung cấp. DN Việt nào đạt được BRC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng của mình", ông Huy nhấn mạnh.