Lai Châu: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản có thế mạnh

Với đặc trưng là địa phương có nhiều loại nông sản thế mạnh, Lai Châu luôn chú trọng các giải pháp tìm đầu ra cho các sản phẩm này.

Đa dạng chính sách thúc đẩy phát triển vùng nông sản

Lai Châu có điều kiện tự nhiên phù hợp trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây ăn quả, dược liệu, rau củ quả, hoa, lúa… Những năm qua, tỉnh đã phát triển, mở rộng thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như mắc ca, chuối, lúa Tẻ râu… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm này, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh hiện có 3.859ha lúa hàng hóa, 6.603ha mắc-ca, 9.466ha chè, 8.456ha cây ăn quả, 12.944ha cây cao su; 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; diện tích ao nuôi thủy sản đạt 1.000ha.

Tháng 8/2019, tỉnh Lai Châu ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách với ưu đãi hỗ trợ như: chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, đào tạo tập huấn và giống vật tư, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tham gia chuỗi liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn vốn sử dụng từ vốn Trung ương, vốn ngân sách tỉnh được lồng ghép như: xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu nông nghiệp gắn giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; đào tạo nghề…

Theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, về hạ tầng phục vụ liên kết được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị và xây dựng nhà xưởng, kho sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ được cấp thẩm quyền phê duyệt không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn được hỗ trợ một lần với 100% các chi phí như tuyên truyền, tham quan học tập kinh nghiệm, tập huấn, phát triển thị trường, kinh phí thuê gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở chế biến nông sản về xuất xứ hàng hóa; chất lượng an toàn thực phẩm; nhãn mác, bao bì sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng hóa nông sản thực hiện đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa. Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản của tỉnh, đáp ứng các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Sở Công Thương Lai Châu đã tích cực triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, iới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử. Cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu kịp thời thông tin đến tổ chức, cá nhân có hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường.

Từ năm 2021-2023, các cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội. Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội cho 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh đến doanh nghiệp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á.

Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.

 

Bình luận của bạn