Lai Châu: Nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam

Để nhân rộng hiệu quả mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng thêm nhiều điểm bán tại các huyện, thị xã trên địa bàn.

Cuối năm 2015, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lai Châu được xây dựng tại điểm bán hàng của Công ty Cổ phần Thương mại tỉnh Lai Châu (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Sau hơn 1 năm đi vào vận hành, điểm bán này đã trở thành địa chỉ mua sắm hàng hóa tin cậy của người dân, giúp tránh được tình trạng mua phải hàng giả, hàng quá hạn sản xuất hoặc hàng Trung Quốc trôi nổi. Qua việc gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam và thực hiện cam kết bán hàng Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, điểm bán này đã từng bước tạo được uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp (DN) và sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với điểm bán đầu tiên được xây dựng tại huyện Phong Thổ, đến nay, Lai Châu đã xây dựng được 4 Điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Điểm chung của các điểm bán này là hàng hóa 100% sản xuất tại Việt Nam, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và được niêm yết giá công khai. Các điểm bán được xây dựng nhằm phát triển hệ thống phân phối, hình thành mô hình các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến với người tiêu dùng. Đồng thời, với việc được đặt sâu trong các khu, cụm dân cư, các điểm bán đã góp phần tạo điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao được sản xuất tại Việt Nam.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, sau một thời gian đưa vào vận hành, các điểm bán đều thu hút khá đông người tiêu dùng. Đơn cử, được khai trương từ ngày 10/10/2016, Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại hộ kinh doanh của ông Trần Đức Chiến (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) đặc biệt thu hút người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm hàng hóa thiết yếu như: Dầu ăn, mắm muối, dầu gội đầu, bột giặt… Theo ông Trần Đức Chiến, trước đây, bà con tại huyện Tân Uyên không biết mua sắm hàng hóa chính hãng ở đâu. Chính vì vậy, Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Tân Uyên được xây dựng để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng Việt chính hãng, giá phải chăng cho bà con. Không những được Sở Công Thương chứng nhận và bảo đảm nguồn gốc sản phẩm, chủ cửa hàng còn phối hợp với các DN sản xuất để giảm giá bán cho bà con. Nhờ đó, các sản phẩm tại cửa hàng luôn thấp hơn thị trường khoảng 5 – 10%. Hàng hóa chính hãng, giá phải chăng nên được người tiêu dùng đón nhận. So với thời điểm chưa lập Điểm bán hàng Việt Nam, doanh thu của cửa hàng đã tăng 1,5 – 2 lần.

Các điểm bán hàng Việt đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các DN Việt Nam nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng; từng bước tạo hình ảnh, uy tín và sự tin tưởng của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; tạo điều kiện cho các thương nhân tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết. Phát huy những hiệu quả này, thời gian tới, tỉnh Lai Châu phấn đấu sẽ xây dựng tại mỗi huyện, thị xã ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam, tập trung nhiều hơn tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách, tỉnh sẽ vận động các DN đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhân rộng mô hình này trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công CVĐ.

Bình luận của bạn