Làm gì để bảo vệ nông sản Việt trước biến động thị trường quốc tế?

Nông sản Việt Nam chuẩn bị vào chính vụ đối với một số loại hoa quả như: Thanh long, sầu riêng, vải thiều…Những loại nông sản này đều có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng trước biến động của thị trường nông sản, nhiều người tỏ ra lo lắng làm sao để bảo vệ được ngành nông sản trong nước, cũng như bảo vệ người nông dân trước thách thức này?.

Chưa hết nghịch lý

Có lẽ không chỉ riêng với nông dân Việt Nam, mà ngày cả các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý vẫn không thể nào quên những bài học xương máu từ việc hàng nông sản của chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Gần đây nhất, một lần nữa người chăn nuôi lợn phải lao đao trước việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố ngừng thu mua lợn của Việt Nam. Sự việc sẽ không có gì đáng nói, nếu trước đó không có việc thị trường thịt lợn trong nước bất ngờ đồng loạt tăng giá mạnh (giá thịt lợn tăng từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg; trước đó giá thịt lợn trung bình từ 7.000 - 10.000 đồng/kg), nguyên nhân sau đó được xác định là do thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua lợn hơi và tác động mạnh đến giá cả trong nước.

 

Từ câu chuyện trên, nhiều người nông dân lại nhớ đến những cay đắng năm nào mang tên thanh long, dưa hấu…Hàng nông sản không thể xuất khẩu được trong khi ở trong nước, có thời điểm nhiều người đã phải than rằng: Ra đường là chạm mặt với dưa hấu, về nhà đụng phải thanh long. Và tất nhiên, cái cách mà thương lái Trung Quốc khiến thị trường nông sản Việt Nam lao đao từ trước đến nay không mới. Đó vẫn chỉ là chuyện tăng thu gom, tăng giá, người dân ồ ạt đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi…kết thúc là một lệnh cấm “lãng xẹt” từ phía đối tác truyền thống, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro này.

“Là người nông dân chân lấm tay bùn, chăn nuôi trồng trọt vất vả, làm sao chúng tôi biết được người đến thu mua hàng của mình là ai, bán đi đâu? Chúng tôi chỉ cần biết sản phẩm mình làm ra bán được giá cao là được. Còn việc tạm dừng thu mua, hay người nông dân trồng nhiều, trồng ít thì phải có người định hướng, không thể cứ để khi nông dân không bán được, lúc đó cơ quan chức năng vào lại nói chúng tôi đổ xô vào làm ăn cùng một sản phẩm, cùng loại giống và không nhìn xa…đó không phải là lỗi của chúng tôi” – anh Mạnh Hùng (người dân ở huyện Ba Vì, Hà Nội) nói. Tâm sự của anh Hùng không phải là không có lý, bởi thực ra, việc định hướng ngành nghề, sản phẩm, hay thương hiệu đều phải do tổ chức, cơ quan chức năng chuyên trách định hướng từ đầu. Có điều, ở đây chúng ta cũng nên nhìn nhận thẳng vào vấn đề, người dân chúng ta vẫn sản xuất vẫn còn quá manh mún, trình độ sản xuất và chất lượng chưa cao, bên cạnh đó là cách thức làm ăn chưa chuyên nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thị trường chợ đen, nên khi gặp “sự cố” tạm dừng thu mua, người dân sẽ phải chịu thiệt thòi.

Tăng cường xây dựng mô hình liên kết

“Vấn đề nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai nữa, mà là một câu chuyện dài kỳ. Thế nhưng, tôi không hiểu vì sao đến thời điểm này các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tìm được hướng đi ổn định, lâu dài. Phải chăng, tìm cách bảo vệ người nông dân lại quá khó khăn?”- chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Hằng nêu quan điểm.

Có thể nói, câu chuyện về tìm hướng đi cho nông sản Việt Nam không phải bây giờ mới được nhắc tới, thế nhưng, hướng đi ấy đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng đã thực hiện được đến đâu và như thế nào, có lẽ không phải người dân nào cũng có thể biết được. Trên thực tế, ngay cả mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp) được ngành nông nghiệp coi là “chìa khóa” giúp người nông dân phát triển bền vững, tạo tính ổn định…Song đến nay, hiệu quả đó như thế nào vẫn chỉ là một câu hỏi chưa có lời đáp. Và đương nhiên, để tồn tại và phát triển, phần lớn người dân vẫn phải “tự bơi”, tự tìm hướng đi và hệ quả là thói quen sản xuất truyền thống, manh mún, chưa áp dụng khoa học vẫn tồn tại. Để rồi điểm kết thúc cuối cùng cho chuỗi sản xuất vẫn là thị trường Trung Quốc.

Thời điểm chính vụ của một số nông sản Việt Nam đang đến rất gần. Chúng ta cần phải làm gì, làm như thế nào để nông sản Việt bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống Trung Quốc? Ngành nông nghiệp cũng như người chăn nuôi, sản xuất cần có thêm nhiều hơn những bước đi táo bạo như cá ngừ, vải thiều…nếu chúng ta tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản xuất. Đây không chỉ là một trong những bài học bổ ích  về vấn đề xây dựng thương hiệu, mà còn là một bài học về việc định hướng, bảo vệ chính người sản xuất và tôn trọng ngay chính thị trường nội địa. Bởi nếu chúng ta không tôn trọng thị trường nội địa, mải chú trọng tìm kiếm thị trường nước ngoài, thì không xa, nông sản Thái Lan - một đối thủ đáng gờm của nông sản Việt Nam - sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước và nguy cơ ấy đang hiện hữu trước mắt, bởi người Thái hiện đã nắm giữ một số hệ thống bán lẻ hàng đẩu ở Việt Nam như Big C, Metro.

“Vấn đề nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai nữa, mà là một câu chuyện dài kỳ. Thế nhưng, tôi không hiểu vì sao đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tìm được hướng đi ổn định, lâu dài. Phải chăng, việc tìm cách bảo vệ người nông dân lại quá khó khăn?” - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Hằng nêu quan điểm.

 
Bình luận của bạn