Làm gì để hàng 'made in Việt Nam' lọt vào thị trường Mỹ?
Thị trường Hoa Kỳ chỉ cho phép nhập khẩu 4 loại trái cây của Việt Nam, đó là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn.
Ông Đào Trần Nhân
Thế nhưng nhiều DN của ta lại muốn xuất khẩu chanh leo hoặc chanh tươi vào thị trường này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu ví dụ về sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp Việt.
Hoa Kỳ từ lâu đã là thị trường truyền thống và giàu tiềm năng của Việt Nam. Theo dự báo, thời gian tới hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các hàng hóa đến từ các nước khác vào thị trường này khi TPP đã được ký kết. Vậy các DN Việt Nam phải làm gì để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, ông Đào Trần Nhân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết nội dung này.
PV: Thưa ông, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là ký kết TPP, cơ hội cho hàng hóa Việt bước chân vào các tập đoàn bán lẻ thế giới là không hề nhỏ. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để hàng Việt có thể tham gia vào những tập đoàn bán lẻ lớn của Hoa Kỳ nói riêng và của thế giới nói chung?
Ông Đào Trần Nhân: Theo kinh nghiệm cũng như nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đối với các tập đoàn, siêu thị lớn của Mỹ như tập đoàn Walmart – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ với doanh thu 500 tỷ USD/ năm, các DN của Việt Nam muốn đưa được hàng vào những tập đoàn lớn này, ngoài việc phải đạt được các quy cách, phẩm chất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, còn phải đạt được các chứng chỉ khác liên quan đến vấn đề xã hội, nhân đạo, ngày công, tiền lương, cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động...
Hiện nay tập đoàn Walmart đã có chi nhánh công ty ở TP Hồ Chí Minh. Chi nhánh này đang giúp các DN Việt trong việc làm sao để đạt được các tiêu chí để có thể đưa hàng vào trong tập đoàn Walmart.
Thực tế, chúng tôi đã giới thiệu nhiều DN cho các tập đoàn bán lẻ lớn của Hoa Kỳ, nhưng khi tiếp cận, phía Hoa Kỳ có các yêu cầu về chứng chỉ cần thiết thì các DN Việt Nam lại không đáp ứng được. Nhiều DN tiếp xúc xong là lại bị bật ra, không thể vào được các tập đoàn này. Bởi vậy, tôi xin nhắc lại, các DN Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các chứng chỉ về ISO, về an toàn vệ sinh thực phẩm được quốc tế công nhận mới có thể đưa được hàng hóa vào các siêu thị lớn của Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác trên thế giới.
Vai trò của Thương vụ là vô cùng quan trọng đối với việc kết nối giao thương giữa DN trong nước với thị trường quốc tế. Song, không ít Tham tán Thương mại bày tỏ rằng họ đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc kết nối, hỗ trợ thông tin cho DN nước nhà. Ý kiến của ông thì sao, thưa ông?
- Hiện nay, theo nguồn lực của các Thương vụ tại các nước trên thế giới, địa bàn đông nhất cũng chỉ có 4 người, nhiều địa bàn chỉ có 1,2 người. Với số lượng nguồn nhân lực có hạn nên các Tham tán thương mại không thể đáp ứng được hết các nhu cầu thông tin của DN. Ở chiều ngược lại, các DN họ có nhu cầu rất lớn về thông tin tại các thị trường giàu tiềm năng. Song, dường như DN của chúng ta chưa chủ động trong việc nắm bắt các thông tin tại thị trường họ muốn hướng tới.
Tôi cho rằng, bản thân các DN cũng phải nỗ lực tìm hiểu thông tin giống như việc “làm bài tập về nhà” vậy, tức là phải có nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin về thị trường nơi mình định xuất khẩu hàng hóa, như vậy thông tin hai chiều sẽ tốt hơn.
Rất nhiều DN Việt Nam có nhu cầu thông tin về thị trường, mặt hàng và họ muốn được các Thương vụ tư vấn, hỗ trợ, song những câu hỏi đặt ra cho thấy họ không hề hiểu biết chút nào về thị trường đó. Tôi đơn cử như thị trường Hoa Kỳ chỉ cho phép nhập khẩu 4 loại trái cây của Việt Nam, đó là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Thế nhưng nhiều DN của ta lại muốn xuất khẩu chanh leo hoặc chanh tươi vào thị trường này, họ còn nhấn mạnh là “nghe nói thị trường này rất ưa chuộng và tiêu thụ nhiều loại chanh tươi và chanh leo của Việt Nam”.
Hay có DN nói rằng, họ thấy thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ lớn tăm xỉa răng, tăm hương, trầm hương, nhưng thực ra người Mỹ họ không xỉa răng, họ cũng không sử dụng tăm hương hay trầm hương. Những ví dụ nói trên để thấy DN chưa quan tâm tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường Mỹ, họ đang bị động và ỷ lại các Thương vụ. Điều này gây khó khăn cho Thương vụ, có khi còn để tiếng là Thương vụ không nhiệt tình hỗ trợ thông tin cho DN.
Hiện nay, 4 lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vào Hoa Kỳ đó là dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản. Ông có thể đưa ra dự báo về hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực này trong năm nay, khi mà TPP đã được ký kết, thưa ông?
- Với việc Hiệp định Thương mại đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký kết, các DN Việt Nam cũng như nước ngoài đều rất quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt là sản phẩm dệt may và giày dép vì đây là hai mặt hàng được hưởng lợi lớn khi tham gia TPP.
Người ta ước tính, thị phần giày dép của Việt Nam nếu như hiện nay chỉ chiếm 12% thị phần tại Hoa Kỳ thì đến năm 2019 sẽ tăng lên 22%. Việt Nam đang là nước đứng thứ hai và sẽ vươn lên dành thị phần của Trung Quốc tại Hoa Kỳ thời gian tới.
Người tiêu dùng nhìn nhận thế nào về các sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ?
- Hiện nay, rất nhiều người tôi quen biết tại thị trường Hoa Kỳ nói rằng, nếu có hai sản phẩm cùng loại một do Việt Nam sản xuất và một do Trung Quốc sản xuất thì họ sẽ chọn hàng “made in Việt Nam”.
Trân trọng cảm ơn ông!