Lan tỏa niềm tin hàng Việt
Đến huyện miền núi Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi câu nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không còn là khẩu hiệu mà đã ăn sâu vào cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.
Tìm mua hàng tốt không phải đi xa nữa…
Vào những ngày cuối tháng 12/2016, qua hai chặng xe với quãng đường hơn trăm cây số, chúng tôi đã đến xã vùng cao Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn.
Còn nhớ trước kia, Ngọc Sơn vốn là xã 135, nơi khó khăn nhất của huyện, song với nỗ lực dựng xây quê hương của chính quyền và nhân dân địa phương, diện mạo Ngọc Sơn hôm nay đã chuyển mình, thay đổi từng ngày.
Tuy đời sống người dân đã khấm khá, song chính quyền vẫn luôn trăn trở một điều là kinh tế khá sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng muốn tìm mua hàng hóa có chất lượng, người dân phải lên trung tâm huyện hoặc về tận thành phố Hòa Bình.
Trước thực trạng đó, việc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đã khai trương điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại cửa hàng kinh doanh bách hóa tổng hợp Quang Trung ở xã Ngọc Sơn.
Đây là mô hình điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được Sở Công Thương tỉnh xây dựng trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi có mặt tại điểm bán hàng này là sự phong phú về chủng loại hàng hóa và đây là lần đầu hàng Việt được đưa về vùng quê xaxôi với nhiều thương hiệu uy tín. Đặc biệt, tuy là dịp cận tết, nhưng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân giá cả rất ổn định.
Không giấu được niềm háo hức khi lần đầu được tiếp cận những mặt hàng của nhiều thương hiệu uy tín trong nước, ông Bùi Văn Hà (dân tộc Mường) bộc bạch: “Nghe tin có hàng Việt về xã nên tôi tranh thủ tới thăm và mua sắm. Hàng hóa ở đây nhiều chủng loại, giá hợp lý, thoải mái lựa chọn và điều làm chúng tôi yên tâm khi hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Từ nay muốn mua hàng rõ nguồn gốc, tôi không còn phải đi xa nữa”.
Ông Lê Văn Hùng, chủ cửa hàng Quang Trung chia sẻ, thời gian qua có không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ đã len lỏi ở thị trường miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, kể từ ngày khai trương, điểm bán hàng Việt này đã thu hút bà con các ở cụm xã vùng đặc biệt khó khăn Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do của huyện Lạc Sơn đến mua sắm.
Cần nối dài “cánh tay” hàng Việt
Điều chúng tôi ghi nhận không chỉ là niềm vui, phấn khởi của người dân khi đến tham quan, tìm mua hàng Việt mà còn ở nỗ lực tuyên truyền của các cấp chính quyền để người dân thêm hiểu và tin dùng hàng Việt. Bởi, dù là địa phương miền núi song gần như người dân nào cũng đều biết về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhiều người dân tới đây mua sắm chia sẻ: Chúng tôi nghe trên báo, đài nói nhiều về cuộc vận động này và nay rất mừng khi Sở Công Thương mở điểm bán hàng Việt để cung cấp những mặt hàng Việt Nam chất lượng tới tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, chúng tôi có thể yên tâm không bị mua phải hàng giả, hàng nhái, đồng thời có thêm hiểu biết về các sản phẩm trong nước.
Là người luôn trăn trở với mong muốn người dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận được nhiều mặt hàng chất lượng, ông Vũ Mai Hồ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết không những tạo hiệu ứng xã hội tốt về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” chắc chắn sẽ góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng hàng nội địa, bình ổn thị trường, nâng cao sức mua và ngày càng nhiều người dân được sử dụng hàng Việt.
Sau mô hình thí điểm, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, tiến tới xây dựng trên địa bàn mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm bán hàng Việt để hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ngày càng đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.