Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng đàn cá sấu nước ngọt được nuôi trên địa bàn các quận, huyện của thành phố hiện đã lên đến hơn 160.000 con. Từ đầu năm đến nay chỉ mới xuất khẩu được khoảng 23.000 con cá sấu sống, 6.808 tấn da muối và 6.121 tấn da thuộc với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 52 tỷ đồng. Thực tế năm nay giá cá sấu xuất khẩu bị tụt xuống khoảng 50% so với năm 2015. Do vậy, chỉ những trại nuôi lớn mới “trụ” được.
“Đầu ra” sản phẩm cá sấu hiện vẫn chỉ gồm ba thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 99,6%), Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp (DN) phía Trung Quốc đã ngừng thu mua cá sấu khiến một số trại nuôi phải đóng cửa vì không có thị trường. Ông Sáu Thìn, chuyên nuôi cá sấu gia công cho các công ty thuộc da ở huyện Củ Chi lắc đầu: “Thương lái Trung Quốc thường lợi dụng khó khăn của các hộ nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, không tìm được đầu ra để ép giá, ảnh hưởng lớn đến người nuôi. Trước nhiều áp lực về vốn, thị trường trong nước hiu hắt trong khi xuất khẩu hạn hẹp, tôi không còn nhận được nhiều đơn hàng nữa và giá giảm mạnh khiến thua lỗ nặng. Nhiều trang trại bạn bè cũng phải đóng cửa hoặc chuyển sang nuôi heo, bò”.
Theo các hộ nuôi, giá cá sấu phải đạt 120.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Nhiều hộ ráng giữ đàn cá sấu lại để tiếp tục nuôi nhưng cũng chỉ giữ được một thời gian rồi phải chấp nhận bán, vì cá sấu càng lớn giá càng thấp.
Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh Đào Văn Đang cho biết, cái khó của các DN Việt Nam chính là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Trong khi đó, ngành thuộc da, chế biến sâu của ta còn yếu kém và việc phát triển nuôi ồ ạt càng làm cho giá cá sấu giảm sâu. Tình trạng xuất khẩu các sản phẩm thô giá trị thấp còn chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài các hạn chế từ các yếu tố nội tại của quá trình nuôi về con giống, kỹ thuật nuôi, còn phụ thuộc vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm thời trang có sử dụng sản phẩm da cá sấu.
Ông Thái Truyền, đại diện cơ quan Cites phía nam cho rằng, rất ít DN Việt Nam hội đủ các tiêu chuẩn của thế giới về kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm cá sấu, bởi hầu hết đều là DN nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy, việc xuất khẩu các sản phẩm cá sấu phần lớn phụ thuộc vào thương lái nước ngoài dẫn tới giá thành thấp…
Trước thực trạng này, nhiều DN nuôi cá sấu lớn vẫn quyết tâm bám trụ và tìm cách để vươn lên. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) Đỗ Văn Chiến cho biết: “Tổng đàn cá sấu của Forimex đạt gần 18.000 con, trong đó đàn bố mẹ khoảng 1.500 con. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư và mở rộng quy mô các trại nuôi tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và đảo Phú Quốc với tổng diện tích gần 300.000 m2 nhằm tăng đàn cá sấu lên 40.000 con. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng giá trị từ tấm da cá sấu được thuộc theo công nghệ tiên tiến, hiện đại và sản xuất các sản phẩm như túi xách, giày dép, thắt lưng… để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi kinh doanh cá sấu Tồn Phát Trần Văn Nga cho rằng, cần xây dựng thương hiệu cá sấu nước ngọt của Việt Nam trên thị trường quốc tế; đồng thời, các DN cần liên kết với nhau xây dựng Hiệp hội Cá sấu, phát huy những thế mạnh của mình, đặc biệt là với các cơ sở nhỏ.
Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (quận 12), một trong những DN đầu tiên nuôi cá sấu ở Việt Nam và là đơn vị hàng đầu về thuộc da và kinh doanh các sản phẩm từ cá sấu cũng đang hết sức khó khăn, sản xuất cầm chừng. Tuy vậy, Phó Giám đốc Công ty Tôn Thất Hưng vẫn lạc quan, tin tưởng vào tiềm năng của ngành cá sấu nếu được đầu tư đúng mức về vốn, khoa học kỹ thuật, con giống, tích lũy kinh nghiệm... Ông Hưng đề nghị thành lập mô hình mới là DN chăn nuôi cá sấu trung tâm, hoạt động theo mô hình hợp tác xã mới, bảo đảm phân chia quyền lợi minh bạch, công bằng khi cá sấu có giá và hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau giữa các thành viên khi thị trường gặp khó, bị ép giá… Bên cạnh việc xuất khẩu da thành phẩm và cá sấu sống, cần phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu sử dụng toàn bộ chế phẩm từ cá sấu. Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà đã nghiên cứu tận dụng thành công xương cá sấu để nấu cao chữa bệnh xương khớp.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hồ Chí Minh Trần Tấn Quý cho biết: Thông qua chương trình phát triển cá sấu, 5 năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho hoạt động gây nuôi cá sấu, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, góp phần giải quyết việc làm trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn và cần được khắc phục trong thời gian tới. Sở NN-PTNT sẽ cùng các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp lên UBND thành phố để tạo cơ chế hỗ trợ cụ thể, giúp các tổ chức gây nuôi có điều kiện đầu tư cho ứng dụng kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiếp tục thúc đẩy nghề nuôi cá sấu phát triển bền vững…