LIÊN KẾT TẠO THẾ ĐỨNG CHO HÀNG VIỆT

Có rất nhiều tín hiệu cho thấy mùa mua bán cuối năm nay sẽ trở nên rầm rộ hơn hẳn mọi năm. Sự phát triển chung của kinh tế đất nước thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cùng sức mua trong xã hội là những điều kiện nền tảng.

Trên cơ sở đó, các hoạt động giao thương trong nước và quốc tế được đẩy mạnh tạo nguồn cung dồi dào, đa dạng và mới mẻ. Cùng đó là sự đổi thay trong văn hóa tiêu dùng khi cơ sở hạ tầng thương mại với mạng lưới các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích… đã tạo được sức hút lớn. Mặt khác, các hình thức mới của mua bán qua mạng, các đợt khuyến mại giảm giá, kích cầu… mà những hoạt động sôi nổi trong những ngày “Thứ sáu đen” (Black friday) hay “Thứ sáu trực tuyến” (Friday online) vừa qua là những ví dụ.

Đương nhiên, trong sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động, các hình thức thương mại, làn sóng đầu tư sáp nhập, thôn tính hệ thống bán lẻ từ các doanh nghiệp nước ngoài đang diễn ra sôi động cùng việc đổ bộ ồ ạt qua nhiều con đường chính ngạch, tiểu ngạch của hàng ngoại đã đẩy sự cạnh tranh hàng nội, hàng ngoại, doanh nghiệp thương nghiệp nội ngoại lên một cao trào mới. Tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới chính thức có hiệu lực thì cao trào đó còn đẩy lên đến những đỉnh điểm chưa từng có. Trong bối cảnh đó, thật đáng mừng khi các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong nước đã và đang có những bước đi khá cương quyết, mới mẻ trong liên kết các công đoạn, các khâu trên phạm vi cả nước nhằm tạo thế đứng cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam tồn tại, phát triển, qua đó thúc đẩy mọi mặt sản xuất, phân phối và bảo vệ lợi ích cho chính người tiêu dùng.

Chỉ sau ít năm đi vào hoạt động, hệ thống các siêu thị, cửa hàng của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và sau đó là hệ thống Vincom, VinMart của Tập đoàn Vingroup cùng nhiều tập đoàn, công ty thương mại trong nước đã bao phủ rộng khắp TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại, mạng lưới những cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bén rễ vững chắc đến tận các ngõ ngách, hẻm phố. Sát gần với các khu dân cư, người tiêu dùng-đó là sự phát huy lợi thế riêng có của doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với lợi thế gần dân là lợi thế nhanh nhạy trong nắm bắt và đáp ứng nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người dân mỗi địa phương.

Đồng thời với việc phát triển hệ thống bán lẻ, ngành thương mại và các doanh nghiệp đi đầu đã thực hiện nhiều biện pháp căn cơ, gốc rễ trong tổ chức liên kết rộng khắp các địa phương, nhằm tạo các chân hàng, mặt hàng tin cậy và phong phú. Những hội chợ, triển lãm, hội thảo đủ các thể loại liên tục được tạo ra giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố để xúc tiến, kết nối các doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa, các hoạt động liên kết theo chuỗi từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng với yêu cầu tiêu chuẩn hóa bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh cho hàng hóa đã tạo nên sự tin cậy cao và sức hút lớn đối với người tiêu dùng. Ở đây có thể thấy rõ tác động và hiệu quả của sự chủ động chăm sóc từ “đầu vào” đến “đầu ra” của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đó chính là một mũi tiến công thiết thực và hiệu quả vào lối sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng, “hàng bẩn”.

Trong sự chuyển biến mạnh mẽ của thương mại nước nhà, không thể không ghi nhận những biện pháp đổi mới tổ chức. Việc Hà Nội chuẩn bị thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và chuyển đổi các ban quản lý chợ là phù hợp với xu thế của kinh tế thị trường. Việc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đẩy mạnh việc quản lý các chợ đầu mối, chợ loại I gắn với kiểm soát các nguồn hàng không chỉ giúp bảo đảm chất lượng hàng hóa mà còn là biện pháp bảo vệ hàng Việt, các nhà sản xuất, phân phối chính đáng và bà con nông dân, tiểu thủ công.

Mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán đang về, nói đến sản xuất, cung ứng, phân phối, đương nhiên không thể không đề cập đến một khâu yếu trong bảo vệ hàng Việt. Đó là sự tràn ngập của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu từ ngoại biên và cả từ nội địa. Không thể chấp nhận được những thứ gọi là hàng hóa rẻ tiền, độc hại bày bán tràn lan trên các hè phố hay chợ quê. Không thể dung thứ cho những cơ sở sản xuất, buôn bán biến hàng chất lượng thấp, hàng giả mặc nhiên đóng dấu nhãn mác của hàng Việt uy tín… “Xây” phải đi liền với “chống”, cuộc liên kết rộng lớn tạo thế đứng vững chắc trên hai chân của hàng Việt phải được tiến hành quyết liệt hơn nữa.

Bình luận của bạn