Lợi ích kép từ việc đưa hàng Việt đến với công nhân

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ý thức tiêu thụ hàng nội địa của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được nâng lên đáng kể.

Từ chỗ ưa chuộng hàng hóa trôi nổi do có giá rẻ (đa phần là hàng Trung Quốc), đến nay họ đã biết lựa chọn những mặt hàng cùng chủng loại do Việt Nam sản xuất với giá thành hợp lý. 

Tuy nhiên, để hàng Việt đến tay công nhân lao động với chất lượng tốt và giá cả phù hợp, nhiều ý kiến cho rằng ngành công thương cần phối hợp tổ chức đưa hàng Việt về khu công nghiệp, khu chế xuất theo nhiều hình thức khác nhau và phù hợp nhất với đặc thù làm việc của công nhân.


* Lợi ích kép

Cũng như bao công nhân khác tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, với đồng lương ít ỏi xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng, chị Bùi Thị Cúc thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau và chi tiêu hết sức tằn tiện.

Hàng hoá được chị Bùi Thị Cúc lựa chọn thường có giá rẻ (chủ yếu là hàng Trung Quốc) nên là hàng trôi nổi, chất lượng không đảm bảo.

Không may mắn như chị Bùi Thị Cúc, chị Lê Thị Nhiên, công nhân Công ty Partron Vina tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên ngoài việc vun vén cho gia đình, mỗi tháng lại phải trích ra 1,8 triệu đồng trả tiền thuê nhà trọ.

Chính vì vậy, chị Lê Thị Nhiên thường xuyên đăng ký làm tăng ca và những việc lặt vặt khác nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Theo chị Lê Thị Nhiên, với những ngày phải tăng ca gần như không có thời gian mua sắm nên chỉ mong có một điểm mua sắm hàng hóa gần công ty với giá cả phải chăng, chất lượng tốt. Nếu được, có thể giảm giá hoặc cho phép trả vào kỳ lương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 82.000 người và dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới.

Để nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt cho công nhân, hàng năm, công đoàn đều có văn bản vận động đoàn viên công đoàn ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam.

Bởi, chính việc ủng hộ hàng Việt Nam sẽ tạo thêm cơ hội củng cố việc làm cho những người công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất này.

Theo thống kê, cả nước hiện có 325 khu công nghiệp, khu chế xuất và gần 5 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại đây, sản xuất hơn 50% số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, công nhân chủ yếu làm việc tại các xưởng sản xuất, giờ nghỉ lại tranh thủ tăng ca nên gần như không có thời gian tìm hiểu về hàng hoá thương hiệu Việt.

Do đó, hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến với người lao động.

Vì vậy, đến thời điểm này đã có gần 4.000 đợt đưa hàng Việt đến người lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh...

Nhiều mô hình tổ chức phù hợp đã được công nhân đón nhận như: Phiên chợ công nhân, gian hàng giảm giá, chợ lưu động, siêu thị công đoàn.

Là một trong những đơn vị hưởng ứng nhiệt tình những chuyến hàng Việt vào khu công nghiệp và khu chế xuất, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc hệ thống siêu thị Big C khu vực phía Bắc cho biết, thời gian qua, Big C đã tổ chức nhiều buổi bán hàng lưu động tại các tỉnh, tập trung nhiều vào khu công nghiệp như Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của công nhân.

Với mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng nên hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người lao động khu vực này.

Ngoài việc mua hàng tại chỗ, nhiều ý kiến còn đề xuất được tổ chức các phiên chợ hàng Việt thường xuyên và có cơ chế mua hàng trừ dần vào lương để họ được mua sắm nhiều hơn nữa.

Không chỉ vậy, thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng hiểu rõ tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng và tiềm năng của thị trường nội địa để đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hoá phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

* Hiệu ứng lan toả

Chia sẻ về việc đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã lồng ghép các hoạt động đưa hàng hóa về khu công nghiệp, khu chế xuất vào chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, việc tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các chương trình bán hàng giảm giá đã mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Hơn nữa, các doanh nghiệp phân phối như Big C, Hapro, Co.opmart… còn triển khai nhiều chương trình giảm giá, tặng quà nên hầu hết chương trình thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.

Đáng mừng hơn cả là từ khi thành lập mô hình “Điểm bán hàng Việt”, người công nhân đã nhận diện và biết đến nhiều hơn các hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất khiến sản lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi triển khai các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại khu công nghiệp phản ánh, một số quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp truyền thông về hàng Việt chỉ mang tính phong trào, làm chiếu lệ nên tác động và sức lan tỏa chưa được như mong muốn.

Bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, tới đây, các khu công nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp trong việc truyền thông và tạo điều kiện về mặt bằng; hỗ trợ thuế và tiền thuê mặt bằng trong thời gian nhất định.

Nhằm đẩy mạnh việc đưa hàng Việt tới tay công nhân, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng được 104 điểm bán hàng tại 58 địa phương trên cả nước; trong đó, nhiều điểm đặt gần các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Đồng Nai, Bến Tre…

Những mô hình này đã tạo điều kiện cho công nhân và người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc tiếp cận hàng Việt chất lượng.

Hiệu quả từ chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên không ít địa phương coi những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ nên việc ai nấy làm và không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Mặt khác, vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ chưa mặn mà với những chương trình này dù đây là dư địa lớn cho doanh nghiệp khai thác.

Lý giải nguyên nhân này, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, hàng đưa về các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu chỉ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng chứ lãi hầu như rất ít.

Vì thế, đây là lý do doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tham gia.

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt nhằm giúp người tiêu dùng chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Bên cạnh việc chủ động tham gia phiên chợ tổ chức tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để chinh phục lòng tin của khách hàng./.

Bình luận của bạn