Lốp xe "Made in Vietnam" hiện diện tại 128 thị trường trên thế giới
Tháng 5/2018, giá cao su trên thị trường thế giới tăng so với tháng trước nhờ dự báo nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng, dù tồn kho tại các cảng Nhật Bản vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường cao su được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp theo chu kỳ sản xuất trong mùa cao su thay lá.
Xuất khẩu cao su tháng 5/2018 đạt 93 ngàn tấn với 133 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm đạt 424 ngàn tấn và 620 triệu USD, tăng 17,4% về khối lượng nhưng giảm 12,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 1.469 USD/tấn, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su tổng hợp là chủng loại chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 163,88 ngàn tấn, trị giá 238,04 triệu USD, tăng 2,2% về lượng, nhưng giảm 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 49,4% trong tổng lượng cao su xuất khẩu.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 58,1%, 7,5% và 4,6%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là Ấn Độ (gấp 2,3 lần) và Indonesia (16%), Song xuất khẩu cao su sang thị trường Hàn Quốc lại giảm.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong tháng 4/2018, Hàn Quốc nhập khẩu 89 ngàn tấn cao su các loại, trị giá 44,48 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 9,1% về trị giá so với tháng 3/2018, giảm 35,3% về lượng và giảm 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 5 với 4,86 ngàn tấn, trị giá 2,91 triệu USD, giảm 27,8% về lượng và giảm 28,9% về trị giá so với tháng 3/2018, giảm 48,2% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 4/2018, thị phần nhập khẩu cao su của Hàn Quốc từ Việt Nam đã giảm xuống mức 5,5% so với 6,8% của cùng kỳ năm 2017. Trong tháng 4/2018, Hàn Quốc cũng giảm nhập khẩu cao su từ một số thị trường khác như: Thái Lan, Indonesia, nhưng lại tăng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức và Trung Quốc...
Theo báo cáo của VRA, năm 2017 diện tích cao su 971.600 ha, sản lượng trên 1,08 triệu tấn, chiếm khoảng 8,3% thị phần thế giới mang về 2,25 tỷ USD từ xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên và 1,9 tỷ USD sản phẩm gỗ cao su. Bên cạnh đó, sản phẩm cao su chế biến tăng trưởng khá tốt và đạt giá trị gần 2 tỷ USD năm 2017.
Trong đó, lốp xe có giá trị xuất khẩu lớn nhất năm 2017 đạt 920 triệu USD, tăng 44,2% so với năm 2016 và tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây (2012-2017) đạt khoảng 22,3% mỗi năm.
Ngành công nghiệp sản xuất lốp xe tại Việt Nam đạt giá trị xuất siêu tăng liên tục từ năm 2010 đến 2017 với khoảng cách ngày càng lớn, trong năm 2017 xuất siêu đạt 564 triệu USD tăng khoảng 2,1 lần so với năm 2016.
Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu lốp xe sang 128 thị trường, chủng loại lốp xe xuất khẩu trong năm 2017 có kim ngạch cao nhất là lốp ô tô con đạt 591,5 triệu USD, chiếm 64,3%, kế đến là lốp xe tải đạn 146,2 triệu USD chiếm 15,9%, lốp xe máy hai bánh đạt 77 triệu USD chiếm 8,4%, lốp xe đạp đạt 6,4 triệu USD, chiếm 6,6%.
Trong năm 2017 có khoảng 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe, trong đó 2 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm 56,3% kim ngạch xuất khẩu là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Sailun (Trung Quốc), và Kumho (Hàn Quốc).
Trong nhóm 10 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe dẫn đầu có hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) và Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC).