Mất gần 5 năm để quả vải tươi vào Mỹ, Australia

Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để quả vải được xuất vào Mỹ, Australia mùa hè này thì từ 5 năm trước Việt Nam đã phải chuẩn bị chu trình canh tác, kiểm dịch theo tiêu chuẩn của họ.

Xuất khẩu nông sản là một nội dung được đề cập nhiều tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 1/6. Nói về những tấn vải đầu tiên được xuất sang Mỹ và Australia, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là bước đi rất có ý nghĩa, vì quả sản phẩm này lần đầu tiên vượt qua cửa ải kiểm dịch thực vật để vào được hai nước khắt khe nhất thế giới.

Theo ông Tuấn Anh, không thể kỳ vọng có ngay số lượng lớn vải xuất sang Mỹ, Australia và EU trong một hai năm tới. Thông thường, đối với các thị trường khó tính này thì để đưa được một mặt hàng mới phải mất 5-8 năm, có khi lâu hơn.

“Ngay khi vào được rồi, nhưng để được người tiêu dùng ở những nước này chấp nhận còn rất phức tạp, cần nỗ lực lớn, tiếp tục xây dựng quy định, quảng bá sản phẩm, marketing”, đại diện Bộ Công Thương thận trọng.

Ông lý giải, vải không phải loại quả phổ biến với người dùng châu Âu, Mỹ, hay Australia trong khi vẫn phải cạnh tranh với sản phẩm bản xứ. Nhưng nếu người trồng giữ chất lượng ổn định, đảm bảo quy cách, quả vải sẽ trụ vững thành công.

alt

Năm nay, lần đầu tiên vải thiều sẽ đi đường hàng không vào Mỹ, Austraulia Ảnh: Quý Đoàn

Việt Nam đặt mục tiêu mùa thu hoạch này sẽ đưa khoảng 100-200 tấn vải vào các thị trường mới, bằng một phần rất nhỏ trong sản lượng 200.000 tấn hiện nay. Lãnh đạo ngành Công Thương nhìn nhận, năm nay tiêu thụ vải thiều sẽ chưa đột phá so với năm trước, 40% tiếp tục xuất sang Trung Quốc và 60% tiêu thụ trong nước.

Trong tháng 6 này, khoảng một tấn vải thiều lên đường sang Mỹ. Đến 10/6, thị trường Australia cũng sẽ mở cửa với vải Việt Nam. Để xuất khẩu được vào 2 thị trường Mỹ và Australia, vải Việt Nam phải trải qua nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Phía Mỹ cũng đưa ra danh sách một số loại sâu bệnh cụ thể, một số loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng trên vải. Ngược lại, Việt Nam cũng xây dựng xong bản đồ chiếu xạ (quy trình diệt khuẩn, làm sạch sản phẩm, nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản), với chi phí 0,6-1 USD mỗi kg sản phẩm.

Hiện nay, cả nước có hai cơ sở chiếu xạ đều nằm ở TP HCM, nên Bộ Nông nghiệp và Khoa học & Công nghệ đang tiến hành cải tạo, nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội để tạo điều kiện cho vải thiều xuất khẩu được kiểm dịch nhanh chóng, hoàn tất khâu cuối cùng trước khi lên đường xuất ngoại.

Nguồn : vnexpress.net

Bình luận của bạn