Metro sẽ đưa hàng Việt sang Thái Lan

Trao đổi với Báo DĐDN, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch TCC Group khẳng định: Thông qua Metro Việt Nam, Big C Thái Lan, TCC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản và hải sản của Việt Nam sang thị trường Thái Lan.

Theo ông Charoen, hơn 20 năm trước khi đến Hà Nội, ông đã nhìn thấy cơ hội đầu tư rất lớn ở Việt Nam.

Đầu năm 2016, TCC đã bỏ ra 655 triệu USD mua lại Metro Việt Nam. TCC còn đầu tư vào Melia Hà Nội và một số BĐS tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Hiện TCC Group là một trong những nhà đầu tư Thái Lan lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến trên 1 tỷ USD.

Ông nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh tại VN sau 20 năm? Điều đó có tác động đến chiến lược kinh doanh của TCC tại Việt Nam?

Đối với thị trường VN, tập đoàn chúng tôi có sự quan tâm đặc biệt và đã đầu tư từ rất sớm. Năm 1995 chúng tôi đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam tại Bình Dương với sự ra đời của Cty TNHH Vina Glass Industries có vốn đăng ký 34 triệu USD.

Có 3 điều khiến chúng tôi quyết định đầu tư tại VN: Con người luôn cần cù, nỗ lực vươn lên; Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; Nguồn nước tốt cho phát triển nông nghiệp và các món ăn của Việt Nam tương đồng với Thái Lan.

Đây cũng chính là lý do để chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng nói thêm rằng, khi chúng tôi thực hiện thương vụ với Metro, họ muốn đưa ra nước ngoài để tránh thuế. Chúng tôi phải mất 1 năm để thuyết phục được họ thực hiện tại Việt Nam và đóng gần 100 triệu USD tiền thuế cho thương vụ này. Điều đó thể hiện sự gắn bó cũng như mong muốn đầu tư lâu dài và phát triển bền vững tại Việt Nam của TCC.

Theo tạp chí Forbes, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch TCC Group hiện là 1 trong 3 người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản trị giá hơn 13,1 tỷ USD tính đến tháng 6/2015.

Đã có những quan ngại rằng hàng tiêu dùng Thái Lan sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Lo ngại trên là không có cơ sở. Trong kinh doanh chúng tôi phải tính đến hiệu quả. Khi chúng tôi vận hành chuỗi siêu thị Metro, do nhà bán buôn, khoản chênh lệch đầu vào và đầu ra không cao, chúng tôi phải sử dụng nguồn hàng tại Việt Nam. Đặc biệt là nguồn hàng nông sản, sẽ tiện lợi trong việc thu mua, vận chuyển, giảm tỉ lệ hao hụt, hư hại, phù hợp với thói quen tiêu dùng… Chúng tôi chỉ nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam không có.

Vậy chiến lược của Metro Việt Nam trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Trước mắt chúng tôi sẽ vẫn sử dụng thương hiệu Metro tại Việt Nam, nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ đổi tên thành MM Mega Market và sẽ phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. Chúng tôi sẽ mở rộng MM Mega Market song song với mảng bán lẻ Big C tại Thái Lan. Đây sẽ là những kênh phân phối quan trọng để đưa sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Thái Lan.

Mảng chiến lược của Metro được định vị là khách hàng Horeca (nhà hàng, khách sạn, căng tin). Để phục vụ tốt nhóm khách hàng này, chúng tôi phải có những chiến lược dài hạn với sản phẩm kinh doanh đảm bảo từ nông trại đến bàn ăn. Hiện nay chúng tôi đang tiếp quản và kế thừa những thành tựu mà Metro Việt Nam đang có, đang vận hành trạm trung chuyển rau củ quả tại Đà Lạt với sản lượng thu mua hơn 700 tấn/ tháng với hơn 100 ha được chứng nhận là vùng sản xuất nông sản VietGap. Để có được thành công này, đội ngũ nhân viên của chúng tôi tại Đà Lạt luôn làm việc chặt chẽ với nông dân và các cơ quan quản lý địa phương. Ngoài rau củ quả, MM Mega Market là một trong 6 đối tác Công-Tư phối hợp với Bộ NN và PTNN xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế về VSATTP cho thị trường nội địa. Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ cung cấp cho 19 trung tâm hơn 20 tấn cá mỗi tháng với hơn 500 mặt hàng an toàn.

Một chiến lược nữa chúng tôi sẽ thực hiện là bắt tay với nhà sản xuất VN để mở rộng sản xuất, tăng năng xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, để vừa đảm bảo nhu cầu phân phối trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu. Vừa qua, 100 tấn Thanh Long của Việt Nam vừa TCC xuất khẩu sang Thái Lan. Đây là lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn chúng tôi này phân phối trong hệ thống siêu thị Big C Thái Lan. Không chỉ dừng lại ở những đơn hàng Thanh Long, TCC đang hoàn thiện thủ tục để được cấp phép xuất khẩu nhiều mặt hàng khác có chất lượng của VN như cam sành, khoai lang giống Nhật, chanh, vú sữa, hồng xiêm và bột gạo sang Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, TCC hiện có chuỗi cửa nhà hàng Nhật Bản Oishi rất phát triển tại Thái Lan. Thông qua Oishi chúng tôi sẽ tìm các nhà hàng Việt Nam để đưa sang Thái Lan phát triển thành chuỗi. Đây cũng là kênh có thể tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản của Việt Nam.

Ngoài phân phối, TCC dự kiến sẽ mở rộng lĩnh vực đầu tư nào tại Việt Nam, thưa ông?

Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có môi trường đầu tư thuận lợi hàng đầu của ASEAN. Đây là cơ sở để chúng tôi tin tưởng và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư dài hạn. Bên cạnh đề nghị đẩy mạnh đưa các mặt hàng nông, thủy sản và hải sản của Việt Nam vào bán trong hệ thống siêu thị Big C và các hệ thống bán lẻ khác của Tập đoàn ở Việt Nam, Thái Lan và trong khu vực, Thủ tướng đề nghị chúng tôi phát triển hệ thống khách sạn tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ cân nhắc đề nghị này.

Tại Thái Lan chúng tôi đã có những khu phức hợp du lịch quy mô lớn và muốn đưa mô hình này vào Việt Nam trong thời gian tới. Mặt khác chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các nhà đầu tư không có đủ kiên nhẫn thông qua các vụ mua bán sát nhập (M&A).

Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Bình luận của bạn