“Miền đất hứa”cho hàng Việt

Chiếm đến 68% dân số cả nước với thu nhập ngày càng tăng, thị trường nông thôn đã và đang là “miền đất hứa” cho doanh nghiệp (DN) Việt. Trong bối cảnh nhiều kênh bán lẻ đang dần thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư ngoại, khu vực nông thôn càng có ý nghĩa đặc biệt với việc tiêu thụ hàng Việt.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nông thôn, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - chia sẻ, trước đây người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại, nay đã chuyển sang ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Đây là động lực lớn giúp DN đưa hàng Việt về nông thôn.

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, khai thác thị trường nông thôn không dễ dàng. Theo đánh giá của các DN khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, muốn chắc chân ở thị trường nông thôn, DN phải đầu tư lớn về con người và thời gian. Bởi lẽ, đặc trưng của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đồng đều.

Ông Nguyễn Đức Anh - Giám sát bán hàng Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) - cho biết, để sản phẩm của công ty đến với khu vực nông thôn, cán bộ công ty đã được giao “nằm vùng” với nhiệm vụ duy nhất là tìm hiểu nhu cầu thực sự của bà con, tuyên truyền trực tiếp để người dân nông thôn hiểu và lựa chọn sản phẩm. Ban đầu, những sản phẩm của công ty được gửi tại các cửa hàng nhỏ lẻ với số lượng ít. Khi được người dân tin tưởng, lượng hàng gửi sẽ có số lượng lớn hơn.

Đầu tư cho khu vực nông thôn thực sự rất tốn kém cả về công sức, tài chính và thời gian, nhưng đổi lại, khi được người dân tin tưởng, lượng hàng Việt tiêu thụ rất khả quan. “Chỉ cần vào được thị trường, được người dân tin tưởng, những mặt hàng sau này của DN sẽ được người dân đón nhận nhiệt tình” - ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.

Hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn, năm 2015, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt DN tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, mang lại doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. 31 Điểm bán hàng Việt Nam cố định đã được xây dựng thành công tại các địa phương với sự tham gia của 3.000 DN sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Hiện việc quảng bá hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang tiếp tục được hỗ trợ tổ chức trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn làm ảnh hưởng uy tín của hàng Việt, tạo cơ hội cho các DN sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao, Ban chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại từ Trung ương đến địa phương đang tích cực điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu đã và đang được đẩy mạnh.

Đối với các DN, cần tranh thủ sức lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhanh chóng có giải pháp chiếm lĩnh thị trường nông thôn đầy tiềm năng. 

Bình luận của bạn