Mở đường cho nông sản Việt vào thị trường Trung Đông

Với quy mô hơn 400 triệu dân, gồm 16 nước, Trung Đông là thị trường có tiềm năng lớn đối với thương mại kinh tế nói chung, đặc biệt là với nông sản. Khu vực này có nhu cầu lớn về nông sản, ví như mặt hàng gạo cần khoảng 5-7 triệu tấn/năm, tiếp đến là nhóm mặt hàng rau, củ, quả như: Cam, chanh, dứa, chuối, các loại đồ uống được chế biến từ trái cây, thủy sản…

Đây là những mặt hàng nông sản thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nông sản Việt vào thị trường Trung Đông vẫn còn khiêm tốn

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông những năm qua liên tục gia tăng. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 10,887 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm 2011. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,059 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông đạt 2,828 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Đông đạt hơn 8,059 tỷ USD, nhưng chủ yếu là linh kiện và sản phẩm điện tử, hàng dệt may chiếm tới 68,4%. Trong khi đó, nông sản xuất khẩu vào thị trường khu vực chỉ chiếm vị trí khiêm tốn so với tiềm năng vốn có. Điều này đã được một số doanh nghiệp Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận.

Gạo Việt Nam có thể vào thị trường Trung Đông tốt hơn khi rào cản được khai thông. 

 

Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết: Khu vực Trung Đông và Iran nói riêng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu chuối. Công ty ông đã từng xuất khẩu chuối sang Trung Đông nhưng gặp nhiều khó khăn trong thanh toán. Để xuất khẩu được chuối sang thị trường này đòi hỏi khâu bảo quản sau thu hoạch rất cao, trong khi đó, các vùng trồng chuối ở Việt Nam lại không tập trung. Một khó khăn khác là vấn đề vận chuyển.

Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Lê Thành đánh giá: Hiện, thị phần các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường Trung Đông như sau: Thủy sản 6%, cà phê 4%, rau, củ, quả 2%. Điều này cho thấy tiềm năng mặt hàng rau, củ, quả tại thị trường này rất lớn. Trung Đông là "thiên đường" hấp dẫn cho các loại hàng hóa của Việt Nam, là thị trường lớn cho các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, trong đó có nông sản vẫn gặp rào cản về logistics và thanh toán.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trung Đông là thị trường rất lớn, đồng thời là cửa ngõ, cầu nối sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Iran nói riêng, với Trung Đông nói chung là hỗ trợ cho nhau nên tiềm năng thương mại giữa hai bên là rất lớn. 

Tuy nhiên cho tới nay, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản vào thị trường này vẫn còn rất thấp do nhiều nguyên nhân, khó khăn trong khâu thanh toán cho các hợp đồng thương mại và chuyển tiền đầu tư.

Thị trường Trung Đông - “Vừng ơi mở cửa ra”!

Ông Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty CP Đầu tư hợp tác quốc tế An Việt, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Iran, là doanh nhân nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường của Iran lẫn Trung Đông nên đã mạnh dạn đầu tư sang Iran. Công ty CP Đầu tư hợp tác quốc tế An Việt là công ty đầu tiên của Việt Nam được cấp phép thành lập Công ty tại Iran. Ông Trần Văn Trí nhận xét: Iran là thị trường có tiềm năng lớn về hàng điện tử, dệt may và nông sản của Việt Nam, với chuối, dứa, chanh, gạo, thủy sản… Iran mỗi năm nhập khoảng 1,2 triệu tấn gạo. Mới đây, công ty chúng tôi xuất khẩu được 207 tấn gạo vào thị trường này. Năm 2018, công ty sẽ xuất vào Iran 200.000 tấn gạo. Tuy nhiên, vấn đề rào cản chính gây ảnh hưởng đến việc trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp hai nước chính là khâu thanh toán. Để giải quyết rào cản này, công ty chúng tôi đã có cách làm sáng tạo khi thực hiện việc mua bán theo phương thức hàng đổi hàng.

Trái cây cũng là mặt hàng có nhiều tiềm năng tại thị trường Trung Đông. (Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại Long Hồ, Vĩnh Long). 

Ông Lê Quang Nhuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice, cho rằng: Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông nên cùng hợp tác thuê một công ty vận tải cố định với mức giá có thể chấp nhận được, bởi giá vận chuyển tác động rất lớn đến giá hàng hóa. Trung Đông cũng được coi là thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt Nam. Theo ông Lê Quang Nhuận, doanh nghiệp bên Trung Đông thường thanh toán sau 7 đến 10 ngày, trong khi hàng hóa sang đây đã mất mấy chục ngày. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh về vốn và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong vay vốn khi đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường. 

Tham tán thương mại, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam cho biết: Mỗi năm, Iran nhập khẩu khoảng 600.000 tấn chuối, 1,2 triệu tấn gạo, 300.000 tấn cao su… Iran sẵn sàng nhập của Việt Nam 500.000 tấn cao su. Vị Tham tán thương mại này bày tỏ băn khoăn: Doanh nghiệp của Ấn Độ và một số nước thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp của Iran để hợp tác làm ăn, đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến Iran làm ăn hoặc xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào Iran. Nếu những rào cản hợp tác về làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước, trong đó khâu thanh toán được tháo gỡ thì thương mại giữa Việt Nam-Iran sẽ còn phát triển mạnh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những mặt hàng gạo thông thường, gạo Jasmin 85 (gạo thơm chất lượng cao) của Việt Nam cũng rất tốt, có thể xâm nhập thị trường Iran thì còn có các mặt hàng: Cà phê, hạt tiêu, chuối, chanh...

Lý giải việc tại sao các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa mở được nhiều đại lý tại Trung Đông, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay: Nguyên nhân đầu tiên do tỷ trọng thanh toán quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu bằng USD. Chính vì vậy, lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt đối với Iran trước đây, các ngân hàng thương mại Việt Nam có khó khăn và nguy cơ gặp rủi ro lớn khi thực hiện các hoạt động thanh toán tại thị trường Iran. Thứ hai, rất nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam có quan hệ đại lý với các ngân hàng lớn tại châu Âu. Thế nhưng khi nhận được yêu cầu thanh toán bằng đồng euro với thị trường Iran, các ngân hàng làm đại lý cho ngân hàng thương mại Việt Nam tại châu Âu cũng bị từ chối thanh toán. Rào cản này khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với việc làm ăn buôn bán với tại Iran.

Để khai thác được tiềm năng của thị trường Trung Đông nói riêng cũng như các thị trường khác, điều đầu tiên chúng ta phải tổ chức sản xuất theo chuỗi để bảo đảm chất lượng sản phẩm: Sản xuất, chế biến, thương mại. Khuyến khích bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp, tham gia các hợp tác xã để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm phù hợp với các thị trường. Trên cơ sở đó, đưa khoa học kỹ thuật, giám sát chặt chẽ quy trình, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Việc tổ chức ngành hàng thật chặt chẽ, sản xuất theo chuỗi giá trị và có kiểm soát từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, khi đó, nông sản Việt Nam không chỉ chinh phục thị trường đặc thù như Trung Đông mà còn có thể xâm nhập tốt các thị trường khác.

Để tháo gỡ rào cản này, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ 1 đến 2 ngân hàng thương mại thiết lập mối quan hệ hợp tác, tạo lập kênh thanh toán với ngân hàng thương mại của Iran.

Ngoài ra, để sản phẩm hàng hóa, trong đó có nông sản vào được thị trường Trung Đông nói riêng và thị trường các nước nói chung, điều tiên quyết là các sản phẩm phải có giấy chứng nhận thực phẩm Halal và nhãn Halal (Halal là tiếng Arabia, có nghĩa là hợp pháp hay được phép theo Luật Hồi giáo). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, chú ý đến điều này.

Bình luận của bạn