Hòa Bình: Mô hình cung ứng hàng Việt ở trung tâm cụm xã

Gần 1 năm nay, nhân dân cụm xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do (Lạc Sơn) đón nhận một điểm mua sắm mới với ngập tràn sản phẩm hàng Việt. Đó là cửa hàng nội thất - điện tử - điện lạnh tại xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn do anh Lê Văn Hùng làm chủ, là mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong lĩnh vực thương mại vào địa bàn.


  

Cửa hàng nội thất – điện tử - điện lạnh của anh Lê Văn Hùng ở xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) thu hút người dân mua sắm nhờ giá cả phải chăng, hàng hóa chất lượng, phù hợp với nhu cầu và thu nhập.

Nằm ngay giữa khu vực trung tâm cụm xã, cửa hàng của anh Hùng giống như một siêu thị, nổi bật hơn tất cả các cửa hàng, đại lý hay hàng quán tại chợ gần đó về mặt quy mô. Hàng hóa cung ứng, phục vụ được phân theo gian, bố trí sắp đặt trên kệ hợp lý, khoa học, bắt mắt và chia từng khu riêng theo nhóm hàng, ngành hàng. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chiếm số lượng lớn, đơn cử như sữa, đường, mì chính, nước mắm, bột canh, dầu ăn, đồ uống – nước giải khát… Đặc biệt, giống như ngôi chợ thu nhỏ, cửa hàng có tới vài trăm mặt hàng đa dạng, phong phú, có khu riêng bán điện thoại di động, bạc trang sức, đồ gia dụng, tủ lạnh, máy móc nông nghiệp…  

Từ xóm Khộp, xã Ngọc Lâu cách cửa hàng chừng 2 km, bà Bùi Thị Nai đi xe máy đến để mua hàng. Bà cho biết: Gần nhà cũng có quán bán nhưng không phong phú như cửa hàng này và giá cao hơn. Đơn cử tại cửa hàng, bà mua 1 thùng sữa Susu có giá 185.000 đồng, mua lẻ 16.000 đồng/vỉ 4 hộp nhưng nếu mua ở các chỗ khác giá phổ biến 200.000 đồng/thùng, bán lẻ 19.000 đồng - 20.000 đồng/vỉ 4 hộp. Không những cạnh tranh về giá mà bà còn yên tâm, tin tưởng vào chất lượng, xuất xứ nguồn hàng khi đến đây mua sắm này.

Một khách hàng khác ở xóm Trung Sơn là ông Bùi Văn Kìm chia sẻ: Từ khi có cửa hàng của anh Hùng, hễ thiếu gì là tôi ra đây để mua sắm, không chỉ có giá cả phải chăng mà hàng hóa ở đây đa dạng, đa số hàng do Việt Nam sản xuất, không có chuyện nhập nhèm trà trộn hàng giả, hàng nhái như ở chợ.

Điểm khác biệt với các hộ kinh doanh cùng địa bàn là tất cả các mặt hàng bày bán tại cửa hàng nhà anh Hùng chủ yếu là hàng Việt Nam, được niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng để người tiêu dùng dễ nhận diện và so sánh. Anh Lê Văn Hùng, chủ cửa hàng cho biết: Ngoài tìm kiếm nguồn hàng phong phú, hộ kinh doanh cũng cân nhắc, tính toán sao cho người dân được hưởng lợi giá tốt. Mặc dù phải thêm chi phí cước vận chuyển lên đây nhưng cửa hàng luôn cố gắng giữ giá hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng. Về cơ bản giá các mặt hàng thiết yếu bằng hoặc chênh lệch rất ít so với mức giá ở vùng trung tâm huyện, tỉnh.     

 Với gần 1 tỷ đồng đầu tư cho lượng hàng hóa kinh doanh, cửa hàng thường xuyên duy trì nguồn phân phối ổn định, không để tình trạng thiếu hàng cung ứng. Tốc độ tiêu thụ hàng hóa khả quan, bình quân mỗi ngày, doanh thu của cửa hàng đạt 2 triệu đồng, vào cao điểm lễ Tết, doanh thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Lạc Sơn đánh giá: Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các đơn vị liên quan và địa phương, mô hình cửa hàng tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại này đang được duy trì, là hướng đi mới cần quan tâm, phát triển. Mô hình không những mở rộng mạng lưới phân phối, thỏa mãn nhu cầu mua sắm mà điều có ý nghĩa hơn cả là giúp người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa tiếp cận với địa chỉ hàng Việt Nam có uy tín, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời tích cực hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Bình luận của bạn